MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là nhóm ngành vẫn 'ăn nên làm ra' bất chấp lạm phát - Điểm danh những cái tên đang ghi nhận lãi vượt mức dự kiến

22-10-2022 - 19:15 PM | Thị trường

Lạm phát đang không trừ một ai. Tuy nhiên dù giá cả có tăng cao, người dân vẫn phải tiếp tục chi trả cho những món hàng tiêu dùng như cà phê hay dao cạo. Điều này giúp các ông lớn trong ngành vẫn ghi nhận doanh thu ở mức cao.

Nestle và Procter&Gamble, hai công ty tiêu dùng lớn nhất thế giới vào thứ 4 vừa qua đã báo cáo doanh số bán hàng tốt hơn dự kiến. Người tiêu dùng dù lạm phát vẫn tiếp tục phải chi trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng như cà phê Nescafe và dao cạo râu Gillette.

Nestle, công ty sản xuất ngũ cốc Cheerios và thanh chocolate KitKat, đã báo cáo kết quả bán hàng tốt hơn mong đợi. Họ “thanh lí” thành công mức chi phí cao cho người mua hàng khi giá thực phẩm tăng cao trên khắp thế giới.

Tương tự, nhà sản xuất chất tẩy rửa Tide P&G đã vượt ước tính về doanh thu và lợi nhuận hàng quý nhờ sự tăng giá của mọi thứ từ dầu gội Head & Shoulders đến dao cạo râu Gillette, ngay cả khi đồng USD mạnh hơn ảnh hưởng đến doanh thu từ thị trường nước ngoài.

Các công ty tiêu dùng đã phát triển mạnh trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 khi mọi người đổ xô đi tích trữ các mặt hàng thiết yếu. Giờ đây, họ lại một lần nữa nổi lên như những người chiến thắng trong thời kì khủng hoảng toàn cầu. Biên lợi nhuận của họ được duy trì ở 2 chữ số khi mọi người buộc phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Đây là nhóm ngành vẫn ăn nên làm ra bất chấp lạm phát - Điểm danh những cái tên đang ghi nhận lãi vượt mức dự kiến - Ảnh 1.

Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu vẫn bán chạy dù có tăng giá. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang khiến người dân ăn ở nhà nhiều hơn là đi đến những nhà hàng sang trọng bên ngoài. Nhu cầu về thực phẩm và hàng tiêu dùng gia dụng vẫn duy trì ở mức ổn định, trái ngược với sự sụt giảm của các sản phẩm như quần áo hay hàng điện tử do người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu.

Lĩnh vực này đã phải đối mặt với áp lực về tỷ suất lợi nhuận trong 18 tháng qua do chi phí tăng, nhưng Nestle vẫn đạt mục tiêu của mình đối với tỷ suất lợi nhuận hoạt động kinh doanh khoảng 17%.

Chỉ số giá tiêu dùng của Anh đã tăng 10,1% trong tháng 9 do giá thực phẩm tăng mạnh nhất kể từ năm 1980. Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 9 cũng chạm mức10%. Trong khi đó, giá cả tăng 8,2% tại Mỹ, thắt chặt túi tiền của người tiêu dùng vốn đã phải chi tiêu nhiều hơn cho các hóa đơn nhiên liệu và các khoản thế chấp.

Nestle đã công bố mức tăng trưởng doanh số trong 3 quý vừa qua mạnh nhất trong vòng 14 năm. Giám đốc điều hành Mark Schneider của công ty cho biết: “Chúng tôi đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ khi chúng tôi tiếp tục điều chỉnh giá một cách có trách nhiệm để phản ánh lạm phát.”

P&G cho biết giá trung bình trên các dòng sản phẩm của họ đã tăng 9% trong quý 3, trong khi khối lượng bán hàng giảm 3%.

Giám đốc tài chính Schulten cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh giá trong năm tài chính vừa qua cho tất cả 10 loại sản phẩm của mình.” Cổ phiếu của Nestle tăng 0,2%, trong khi P&G tăng 2%.

Tuy nhiên, bất chấp doanh số bán hàng tăng mạnh mẽ, một số nhà phân tích lo ngại việc tăng giá có thể sớm đẩy người tiêu dùng đi quá xa, có khả năng khiến giá một số sản phẩm của hãng vượt quá tầm với của họ trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Ông Chris Beckett, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phần tại Quilter Cheviot, cho biết: “Bạn thực sự lo lắng về mức định giá theo danh mục, đặc biệt là đối với thực phẩm tùy ý - không ai thực sự cần KitKat hoặc kem. Cho đến nay, sản lượng bán hàng vẫn tăng tốt nhưng chưa ai chắc chắn rằng sự tăng trưởng đó có thể kéo dài đến khi nào.”

Theo Reuters

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên