MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi

28-11-2021 - 22:45 PM | Sống

Cả khu rừng này hoá ra chỉ là 1 cá thể dương vàng duy nhất được nhân bản lên từ cùng một bộ rễ.

Đâu là sinh vật lớn nhất hành tinh? Một con vô Châu Phi nặng 10 tấn? Một con khủng long nặng 65 tấn? Hay một con cá voi xanh nặng 190 tấn? Tất cả đều không phải.

Danh hiệu sinh vật nặng nhất hành tinh hoá ra thuộc về một cái cây, Pando, mọc ở tiểu bang Utah của Hoa Kỳ. Cái cây này nặng tới 6.600 tấn và cũng là sinh vật sống lâu đời nhất trên Trái Đất.

Các nhà khoa học ước tính Pando đã 14.000 năm tuổi và có thể sẽ sống thêm được gần 1 triệu năm nữa. Tuy nhiên, quan sát trong những năm gần đây cho thấy cái cây này đang chết dần, và con người chúng ta sẽ phải chịu một phần trách nhiệm cho điều đó.

Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 1.
Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 2.

Sinh vật khổng lồ sống lâu nhất hành tinh

Kể từ năm 1939 tới nay, đều đặn mỗi ngày vài lần, một vệ tinh bay trên bầu trời trung tâm phía nam tiểu bang Utah lại hướng máy ảnh xuống dưới mặt đất. Nó chụp những tấm ảnh ở sườn dãy núi Wasatch thuộc Hạt Kiểm lâm Sông Fremont.

Tại đó có một khu rừng rộng hơn 42 ha mọc lên toàn là những cây dương vàng thân trắng. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 47.000 cá thể dương vàng trong khu rừng này. Nhưng lạ kỳ thay, chúng đều là những cây dương đực.

Phân tích DNA cho thấy những cây dương đực ở Wasatch giống hệt nhau về mặt di truyền. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng chỉ là phiên bản clone từ một cây dương đực duy nhất. Không có dương cái, những cái cây đã sinh sản vô tính để tạo ra những phiên bản giống hệt nhau.

Và bên dưới lòng đất của tán rừng dương đó, các nhà khoa học tìm thấy một bộ rễ ngầm khổng lồ mà tất cả những cây dương đực này đều đang bám vào. Nói cách khác, cả khu rừng hoá ra chỉ là 1 cá thể dương vàng duy nhất.

Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 3.
Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 4.

Trong khi mỗi nhánh cây trồi lên mặt đất chỉ sống được khoảng hơn 100 năm, chúng đã liên tục được thay mới, cây non chiếm vào chỗ của cây già cỗi, duy trì sự sống cho toàn bộ hệ rễ ngầm.

Cá thể dương này vì thế đã sống qua hơn 14.000 năm tuổi, từ khi những người đầu tiên đặt chân đến Châu Mỹ cho tới tận bây giờ. Bởi sự đặc biệt đó, các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên riêng, Pando, trong tiếng la tinh nghĩa là "Tôi lan toả".

Nhưng Pando đang chết

Điều đó đã được xác nhận trong một nghiên cứu năm 2018 đăng trên tạp chí PLOS ONE. Các nhà khoa học tại Đại học Utah đã sử dụng ảnh vệ tinh chụp Pando trong suốt 72 năm cộng với một khảo sát thực địa dưới mặt đất để cảnh báo diện tích khu rừng dương đang thu hẹp lại.

Trong khoảng thời gian đó, con người đã mở một đường quốc lộ qua khu rừng, kéo điện, xây các khu vực cắm trại, mở đường mòn đi bộ và các khu nhà dịch vụ. Những điều này ảnh hưởng một phần tới diện tích của Pando đang mỏng dần.

Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 5.
Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 6.

Nhưng một tác động lớn hơn của chúng ta tới hệ sinh thái ở Pando là việc con người đã loại bỏ khỏi khu vực phần lớn động vật ăn thịt hoang dã, chẳng hạn như sói và gấu xám. Hoạt động này nhằm đảm bảo an toàn cho sự phát triển du lịch trong khu vực.

Tuy nhiên, sự biến mất của các loài ăn thịt đầu bảng đã dẫn đến sự bùng nổ của quần thể động vật ăn cỏ trong rừng Pando. Những con nai và hươu sừng tấm sau đó đã tràn vào rừng dương, ăn các cây non đang mọc lên từ bộ rễ của nó.

Kết quả là trong khoảng 30-40 năm trở lại đây, các nhà khoa học nhận thấy khả năng thay thế các cây dương đã chết của Pando giảm dần. Khu rừng mà nó tạo ra vì thế đã thưa hơn, đe dọa đến sự tái sinh của những nhánh dương già cỗi đã chết.

Bản thân nhiều cá thể dương già của Pando cũng đang bị ảnh hưởng bởi ít nhất 3 loại bệnh: bệnh thối nhũn vỏ cây, đốm lá và bệnh nấm. Sự thiếu đa dạng di truyền ảnh hưởng một phần đến khả năng tồn tại của nó.

Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 7.

Một mối đe dọa lớn nữa đến từ biến đổi khí hậu. Pando có thể đã bắt đầu phát triển từ sau kỷ băng hà cuối cùng. Sống trên một vùng núi cao được bao quanh bởi sa mạc, nó có lẽ cũng không lạ lẫm gì với hạn hán và nhiệt độ ấm áp.

Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu vẫn đe dọa đến kích thước và tuổi thọ từng nhánh cây trong Pando. Chẳng hạn như thời tiết ấm hơn vào đầu năm đã khiến các nhánh cây khó hình thành lá mới. Một hồ lớn cung cấp nước cho Pando cũng đang cạn kiệt dần.

Trong những mùa hè gần đây, nhiệt độ tăng cao còn đe dọa khu rừng có thể bị cháy. Vì vậy, Pando chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cả 42 ha của nó thích nghi được với những biến đổi nhanh chóng của khí hậu này.

Khu rừng sẽ ra sao trong 14.000 năm tới?

Bất chấp tất cả những mối đe dọa, từ dịch bệnh, cháy rừng, sự bùng nổ của thú ăn cỏ và sự xuất hiện của con người, có một sự thật là Pando đã sống qua hàng chục ngàn năm, nó đã và vẫn đang là sinh vật lớn nhất trên Trái Đất.

Thật khó để tin vì một lý do nào đó chỉ mới hiện diện trong vài chục năm ngắn ngủi mà rừng dương này có thể chết đi hoàn toàn. Nhất là khi nhận thức của con người về việc cần phải bảo tồn nó đã gia tăng hơn bao giờ hết.

Đây là sinh vật khổng lồ và sống lâu nhất hành tinh, nó nặng tới 6.600 tấn và đã 14.000 năm tuổi - Ảnh 8.

Các nhóm hoạt động vì môi trường và cơ quan lâm nghiệp Hoa Kỳ đang nỗ lực bảo vệ Pando và hệ sinh thái nó đang nuôi dưỡng. Năm 2013 và 2014, họ đã lập hai khu vực hàng rào ngăn cản các loài thú ăn cỏ tiếp cận một vùng rừng Pando. Kết quả là những nhánh dương non trong khu vực này đã hồi sinh trở lại.

Đồng thời, một nỗ lực thả lại các loài thú ăn thịt vào khu vực không có hàng rào cũng đem lại kết quả tích cực. Đây là một minh chứng cho tác dụng của việc đảm bảo cân bằng và đa dạng sinh thái trong một khu vực.

Ở Pando, chúng ta cần bảo vệ tất cả các loài sống ở đó, từ thực vật, động vật ăn thực vật cho tới động vật ăn thịt. Chỉ cần có bất kể một sự mất cân bằng nào xuất hiện, sự tồn vong của tất cả các thành phần còn lại trong hệ sinh thái đều sẽ bị đe dọa.

Tham khảo Theconversation , Forbes

Theo Thanh Long

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên