Đẩy mạnh thanh toán điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Ngày mai (13/3), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, 3 nội dung lớn sẽ được Văn phòng Chính phủ triển khai trong cùng 1 hội nghị, đó là: Sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Sau 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc g ia (DVCQG), từ ngày 9/12/2019 đến chiều ngày 9/3/2020 đã có có trên 77.200 tài khoản đăng nhập; hơn 20,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ; trên 2,6 triệu bồ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG. Đây là kết quả tích cực khi Cổng DVCQG được người dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Người dân, doanh nghiệp quan tâm, hưởng ứng
“Kết quả này cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, ghi nhận kết quả ban đầu của quá trình xây dựng và vận hành Cổng DVCQG”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đánh giá.
Qua báo cáo kết quả triển khai ban đầu của Cổng DVCQG của VPCP, Thủ tướng Chính phủ gửi lời khích lệ, động viên tới tất cả cán bộ thuộc các Bộ, cơ quan đã tích cực tham gia để góp phần vào quá trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mạnh mẽ của Chính phủ.
Trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang quyết liệt chống dịch bệnh COVID-19, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, việc đưa thêm trên 15 dịch vụ công tích hợp lên Cổng DVCQG càng có ý nghĩa quan trọng khi những dịch vụ công này chú trọng đến thanh toán trực tuyến.
“Việc này hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.
Điểm chung của những dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG sắp tới chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, đó là các dịch vụ liên quan đến: Thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch vụ Hủy tờ khai hải quan, Khai bổ sung hồ sơ hải quan; dịch vụ Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; dịch đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Một trong những dịch vụ công quan trọng được tích hợp lên Cổng DVCQG vào ngày mai là dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Ngay thời điểm tích hợp lên Cổng DVCQG, dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ được thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.
Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết đã cử các tổ công tác làm việc tại 5 địa phương làm điểm, về cơ bản các phần mềm được cài đặt hoàn thiện và thành công trong chạy thử nghiệm. Đơn vị cũng đã hoàn thành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ kỹ thuật, tổ chức tập huấn cho lực lượng cảnh sát giao thông tại 5 địa phương thí điểm để có thể triển khai thực hiện ngay khi đưa các dịch vụ này lên Cổng DVCQG.
"Đây là sự phối hợp, cố gắng của các bộ, ngành liên quan trong việc cùng chung tay xây dựng, triển khai Cổng DVCQG", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hệ thống TTBC Chính phủ tiết kiệm 460 tỷ đồng/năm
Cũng trong ngày mai, VPCP sẽ khai trương một số phân hệ của Hệ thống thông tin báo cáo (TTBC) Chính phủ. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết VPCP đã phối hợp với các Bộ, cơ quan, Tập đoàn VNPT, Viettel xây dựng, chuẩn hóa các quy trình tổng thể của hệ thống, quy trình liên thông các chế độ báo cáo; quy trình chia sẻ dữ liệu báo cáo.
Tính toán của Cục Kiểm soát TTHC cho thấy, nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và Bộ, ngành báo cáo lên Chính phủ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ thì ước tính chi phí tiết kiệm được cho Ngân sách Nhà nước sẽ khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Hệ thống TTBC Chính phủ là hệ thống thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống nhằm bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó Hệ thống TTBC Chính phủ giúp nâng cao năng lực tham mưu tổng hợp của VPCP trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu đặt ra của Hệ thống TTBC Chính phủ nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo; góp phần chuyển đổi phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số được tổng hợp, phân tích theo thời gian thực, hiển thị trực quan thông qua các hệ thống thông tin, bảng hiển thị.
“Hệ thống TTBC Chính phủ ra đời được nhưng để Hệ thống “sống” được không dễ dàng, vì vậy cần sự đồng hành, chung tay của nếu các Bộ, ngành, địa phương để Hệ thống hoạt động hiệu quả sau khi vận hành”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.
Chinhphu.vn