MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây mới là ngành sở hữu tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất tại "Harvard Việt Nam", lương cũng khủng không kém

07-11-2023 - 05:35 AM | Sống

Gần 100% sinh viên Ngoại thương tốt nghiệp ngành này ra trường có việc làm.

Theo "Báo cáo khảo sát thường niên về tình trạng việc làm của sinh viên" mới đây nhất của trường Đại học Ngoại thương, thì ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất của FTU đó chính là Kinh doanh quốc tế với tỷ lệ 99,29%. Trong đó, đa phần sinh viên làm việc ở khu vực có yếu tố nước ngoài và khu vực tư nhân.

Theo điểm chuẩn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, ngành Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn dao động ở ngưỡng 28,2 - 28,7 (tùy từng tổ hợp xét tuyển). Có thể nói, đây là một ngành học được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm hiện nay.

Ngành Kinh doanh quốc tế học gì?

Ngành Kinh doanh quốc tế (International Business) bao gồm toàn bộ các hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ giữa các quốc gia. Đúng như tên gọi, ngành kinh doanh quốc tế mang tính chất toàn cầu và hội nhập rất cao.

Một số môn học liên quan đến ngành này có thể kể đến như: Quản lý rủi ro trong kinh doanh quốc tế, Giao dịch thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Logistics và vận tải quốc tế, Nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, Truyền thông trong kinh doanh quốc tế, Pháp luật trong kinh doanh quốc tế, Quản lý chuỗi cung ứng....

Sau khi học xong, các bạn phải đạt được những chuẩn đầu ra về kiến thức: (1) Tổng hợp được nền tảng kiến thức cơ bản về kinh doanh, phương pháp luận, nhân sinh quan, thế giới quan và quy luật phát triển của xã hội loài người...; (2) Áp dụng dụng kiến thức cơ bản về kinh doanh quốc tế và năng lực ngoại ngữ để học tập, nghiên cứu và làm việc; có khả năng áp dụng và thực hành tại doanh nghiệp; (3) Áp dụng kiến thức chuyên sâu về kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, thương mại và đầu tư quốc tế...; (4) Áp dụng kiến thức thực hành chiến lược, mô hình, phương thức và nghiệp vụ kinh doanh quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài.

Đây mới là ngành sở hữu tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất tại "Harvard Việt Nam", lương cũng khủng không kém - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Sự khác nhau giữa kinh doanh quốc tế và kinh tế quốc tế

Nhiều bạn sẽ có sự nhầm lần giữa ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, 2 ngành này có sự khác nhau đấy nhé.

Đầu tiên là đối với ngành kinh doanh quốc tế:

- Đây là ngành thuộc khối ngành quản trị, đi sâu vào hoạch định, triển khai các hoạt động kinh doanh và đầu tư quốc tế của doanh nghiệp.

- Chuyên về quản lý các chuỗi cung ứng, làm việc trong ngành Logistics, xuất nhập khẩu như các nghiệp vụ vận tải (đường sắt, đường biển, đường hàng không), bảo hiểm hàng hoá…

- Quản lý tại các doanh nghiệp hoặc những lĩnh vực trong doanh nghiệp bao gồm: Marketing, quản trị nguồn nhân lực, quản trị bán hàng, thực hiện các nghiệp vụ tài chính trong công ty, doanh nghiệp...

Còn ngành Kinh tế quốc tế thường có tính chất vĩ mô hơn, tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là thương mại và tài chính quốc tế. Kinh tế quốc tế chuyên về lý luận quan hệ kinh tế quốc tế, phân tích và hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại, đặc điểm phát triển kinh tế thế giới và những vấn đề về hội nhập kinh tế.

Mức lương và cơ hội nghề nghiệp

Đây là ngành học có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp bởi đang cần nguồn nhu cầu nhân lực lớn, như là: Chuyên viên nghiên cứu, hoạch định chính sách kinh doanh, Phân tích viên kinh doanh, Quản lý tài chính - nhân sự, Quản lý nguồn nhân lực đa văn hóa, Quản lý truyền thông, Tổ chức sự kiện và Quan hệ công chúng, Chuyên viên quản trị kinh doanh quốc tế, Chuyên viên xuất nhập khẩu...

Môi trường làm việc cho ngành này cũng đa dạng, phong phú: Các công ty kinh doanh, thương mại trong nước và quốc tế; Ngân hàng ngoại thương; Các tập đoàn đa quốc gia, các công ty cổ phần thương mại; Công ty xuất nhập khẩu và Logistics; Giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng về ngành Kinh doanh quốc tế...

Đây mới là ngành sở hữu tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất tại "Harvard Việt Nam", lương cũng khủng không kém - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn về mức lương, nếu tính theo kinh nghiệm làm việc thì khởi điểm sinh viên mới ra trường có thể nhận được mức lương từ 8 - 10 triệu đồng. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm từ 1 - 2 năm làm việc thì mức lương có thể tăng lên đến trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Với kinh nghiệm cao hơn thì có thể nhận được mức lương từ 20 - 40 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, các ứng viên tiềm năng của ngành kinh doanh quốc tế còn có thể hưởng thêm các khoản hoa hồng theo doanh số hay tiền thưởng doanh thu ngoài khoản tiền lương cơ bản nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Càng thăng tiến cao trong công việc thì mức thu nhập cũng sẽ càng được tăng cao.

Tổng hợp

Theo Đông

Phụ nữ mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên