MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số logistics, tăng năng lực kết nối của Việt Nam

Chuyển đổi số logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong quá trình số hóa để các doanh nghiệp có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Chuyển đổi số logistics là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Thực tế hiện nay, ngành dịch vụ logistics vẫn đang là lĩnh vực non trẻ tại Việt Nam, phải đối mặt với nhiều hạn chế như các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng tập trung vào số lượng hơn là chất lượng khi hầu hết cơ sở cảng đều có quy mô nhỏ và không được xây dựng theo nhu cầu công nghiệp. Các cảng và khu công nghiệp thường tách biệt khiến việc kết hợp cơ sở hạ tầng trở nên khó khăn…

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ cũng cho biết, hiện nay EU tiếp tục yêu cầu chuyển đổi trong hệ thống logistics, nổi bật nhất là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm giảm nhu cầu nhân lực; hợp tác và đổi mới tạo ra hiệu quả và cắt giảm chi phí. “Ngoài cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), các DN xuất khẩu Việt Nam cần chú ý việc EU yêu cầu kiểm soát phát thải đối với vận tải hàng hải, điều này có thể làm gia tăng chi phí logistics quốc tế”, ông Quân khuyến nghị.

Đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số logistics, tăng năng lực kết nối của Việt Nam- Ảnh 1.

Chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

Để thích nghi với chiến lược chuyển đổi số, hiện nay nhiều DN logistics đã công bố lộ trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hiệu quả, sự bền vững của ngành logistics, nâng cao tốc độ vận chuyển hàng hóa cũng như cải thiện dòng chảy thương mại thông qua việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

Đơn cử như cảng logistics chiến lược Việt Nam SuperPortTM (Vĩnh Phúc) cam kết hợp tác phát triển các công nghệ mới cùng các đối tác hàng đầu trên thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giải pháp logistics nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, cảng này sẽ tập trung vào ứng dụng AI trong tự động hóa, robot vận hành kho bãi và các giải pháp quản lý vận chuyển. Các công nghệ ưu việt này sẽ nâng cao hiệu quả vận hành, đẩy nhanh tiến độ đơn hàng và cải thiện kiểm soát hàng tồn kho…

Ông Đỗ Quang Hiển - Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban chiến lược Tập đoàn T&T chia sẻ, Việt Nam SuperPortTM thể hiện cam kết của Tập đoàn T&T và Tập đoàn YCH nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh quốc gia. “Bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa tích hợp AI và blockchain, Việt Nam SuperPortTM đang nâng cao năng lực logistics của Việt Nam và tiên phong trong đổi mới chuỗi cung ứng ở khu vực ASEAN”, ông Hiển quả quyết.

Ông Hiển cũng cho biết, Việt Nam SuperPortTM đang hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu trên thế giới, để phát triển một hệ sinh thái số tích hợp phần mềm quản lý kho dựa trên AI, phục vụ theo dõi hàng tồn kho theo thời gian thực, dự đoán nhu cầu, và đo lường hiệu suất vận hành. Sáng kiến này nhằm tối ưu hóa hiệu quả logistics xuyên suốt khu vực.

Bên cạnh nâng cao hiệu quả vận hành, Việt Nam SuperPortTM cũng đang hướng đến việc củng cố năng lực kết nối và sự bền vững của chuỗi cung ứng. Theo dự tính của TS Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM, một thị trường logistics trực tuyến sẽ được phát triển trên nền tảng AI, liên kết các DN vừa và nhỏ, các tổ chức tài chính và nhà cung cấp logistics trên toàn cầu, đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn. Việt Nam SuperPortTM cũng sẽ phát triển hệ thống quản lý ESG bằng việc ứng dụng công nghệ blockchain để theo dõi khí thải carbon, nhằm hỗ trợ mục tiêu trở thành trung tâm logistics đạt phát thải ròng bằng 0 đầu tiên tại Đông Nam Á vào năm 2040.

“Kế hoạch chuyển đổi số của Việt Nam SuperPortTM phù hợp với chiến lược quốc gia nhằm phát triển ngành logistics theo hướng thông minh, nâng cao giá trị cạnh tranh và bền vững đến năm 2035. Hợp tác phát triển và ứng dụng tiến bộ công nghệ sẽ củng cố vai trò của Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực”, Tiến sĩ Yap Kwong Weng cho hay.

Đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số logistics, tăng năng lực kết nối của Việt Nam- Ảnh 2.

Thị trường logistics trực tuyến sẽ được phát triển trên nền tảng AI, liên kết các DN vừa và nhỏ, các tổ chức tài chính và nhà cung cấp logistics trên toàn cầu

Từng bước đưa DN thích nghi và với quá trình chuyển đổi số logistics, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, DN đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trợ lý ảo Pi của Tân cảng Sài Gòn được học máy (Machine Learning) 25 kịch bản, 301 bước quy trình, 4.532 câu mẫu để trả lời tự động cho khách hàng.

Với kiến thức được trang bị đó, Chatbot Pi có thể trả lời ngay lập tức các vấn đề của khách hàng với tỷ lệ 100% khách hàng liên hệ đều nhận được phản hồi. Hiện trợ lý ảo Pi đã xuất hiện trên ePort và Fanpage, hỗ trợ giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin cho khách hàng, giúp giảm bớt thời gian, công sức cho tư vấn viên của trung tâm chăm sóc khách hàng và nâng tầm chất lượng dịch vụ của DN.

“AI được tích hợp trên Website và các Fanpage, Zalo OA và E-port tạo tiện lợi cho khách hàng có thông tin kịp thời. Nhờ công nghệ, DN có thể tạo ra chatbot và trong tương lai sẽ tích hợp thêm các công nghệ để thiết lập mô hình đa kênh (omni-channel), đem đến cho khách hàng những trải nghiệm và dịch vụ logistics tốt nhất”, ông Lộc thông tin.

Theo Nguyễn Quỳnh

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên