Đẩy vốn rẻ ra nền kinh tế: Giảm áp lực nợ xấu
Để duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhằm kích thích nhu cầu vay vốn từ thị trường, các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng khoản vay.
- 23-02-2024Một tỉnh gần Hà Nội có tỷ lệ nợ xấu ngân hàng siêu thấp, mỗi 1 tỷ cho vay thì nợ xấu chỉ 5 triệu đồng
- 01-02-2024Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil nợ xấu ngân hàng hơn 11.000 tỷ đồng
- 31-01-2024LPBank hoàn thành mục tiêu kinh doanh, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành
Nợ xấu là một trong những nỗi lo của các ngân hàng (NH) trong năm 2024 khi nền kinh tế còn khó khăn, thị trường bất động sản (BĐS) chưa phục hồi và đặc biệt là những khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023 của NH Nhà nước sẽ hết hạn vào ngày 30-6.
Nợ xấu dự báo tăng
Ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc NH Bản Việt (BVBank), cho rằng diễn biến không thuận lợi của kinh tế vĩ mô thời gian qua đã bào mòn khá nhanh "sức khỏe" của nền kinh tế và doanh nghiệp (DN). "Sức cầu yếu kéo dài trên thị trường hàng hóa, dịch vụ, BĐS có thể tiếp tục gây áp lực lớn lên chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, kinh tế được dự báo phục hồi tích cực hơn cùng mặt bằng lãi suất thấp có thể thúc đẩy nhu cầu vay vốn" - ông Trung nói.
Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng NH nhằm hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 vừa diễn ra, lãnh đạo Agribank nêu rõ thực tế nền kinh tế phục hồi chậm trong khi những khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023 sẽ hết hạn vào ngày 30-6. Do đó, nếu không gia hạn thông tư này sẽ tạo áp lực lên vấn đề xử lý nợ xấu.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, thị trường BĐS đã được cấu trúc lại nhưng phục hồi chậm trong khi nợ xấu của các NH thường gắn liền với khoản nợ của DN BĐS. Bên cạnh đó, áp lực từ trái phiếu đáo hạn của DN vẫn còn. "Nợ xấu và nợ tiềm ẩn là vấn đề mà ngành NH vẫn phải nỗ lực xử lý trong thời gian tới" - ông Hiển lưu ý.
Báo cáo chiến lược năm 2024 của Công ty Chứng khoán SSI cũng chung nhận định năm nay là năm đầy thách thức đối với ngành NH về chất lượng tài sản dù chi phí vốn giảm và lợi nhuận trước dự phòng tăng giúp các TCTD có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn. "Nợ xấu và nợ cần chú ý tại các TCTD tính đến cuối năm 2023 đã tăng lần lượt 40% và 24% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt" - Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, các NH thương mại kiến nghị kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02/2023 khoảng 6 tháng đến 1 năm và không tính số lần cơ cấu nợ cho khách hàng. Để tạo thuận lợi cho DN và NH thương mại, NH Nhà nước cũng cho biết sẽ xem xét gia hạn Thông tư 02/2023.
Dòng vốn bị nghẽn
Số liệu của NH Nhà nước cho thấy đến tháng 1-2024, tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực BĐS tăng 11,81% so với cuối năm 2022, chiếm 21,28% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, tín dụng kinh doanh BĐS tăng tới 35,38% nhưng tín dụng tiêu dùng BĐS chỉ tăng 1,08%, cho thấy nhu cầu vay vốn mua nhà để ở hoặc đầu tư nhà đất chưa nhiều.
Nhiều NH khẳng định lãi suất chưa khi nào thấp như thời điểm này. Dẫu vậy, tăng trưởng tín dụng tháng 1-2024 vẫn giảm 0,6% so với cuối năm 2023, phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn thấp. Thực tế, DN đủ điều kiện thì không có nhu cầu vay vốn trong khi DN thiếu vốn lại không đáp ứng được điều kiện vay - một phần do NH kiểm soát chặt chất lượng khoản vay để hạn chế nợ xấu phát sinh.
Về phía DN BĐS, tổng giám đốc một công ty có quy mô nhỏ phản ánh để được vay vốn, dự án phải tháo gỡ rất nhiều thủ tục pháp lý, phải đáp ứng yêu cầu về vốn đối ứng ít nhất 10%. "Không phải NH nào cũng muốn cho DN có dự án nhỏ vay vốn, nhất là những DN mới, chưa có lịch sử tín dụng. Còn với DN, lãi suất giảm 1%-2% là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải được vay vốn thuận lợi để triển khai dự án" - tổng giám đốc này nói.
Ông Nguyễn Phạm Anh Duy, Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam, chỉ ra một số thách thức hàng đầu trong việc tìm nguồn vốn vay cho hoạt động đầu tư BĐS ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đó là tỉ lệ khoản vay trên giá trị chưa tốt, nguy cơ biến động lãi suất cũng như tăng chi phí vay đối với những khoản vay mới.
Giám đốc chi nhánh một NH tại TP HCM cho hay NH vẫn muốn cho vay đối với những khoản vay tốt, lãi suất bảo đảm theo yêu cầu của NH Nhà nước và mặt bằng chung nhưng quan trọng là phải quản trị rủi ro. Vì vậy, yêu cầu đối với bên vay vẫn là phải có tài sản thế chấp, có vốn đối ứng, dự án khả thi và pháp lý chuẩn chỉnh.
(*)Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-2
Lãi suất cần ổn định lâu dài
Theo Công ty Chứng khoán SSI, hàng loạt luật về BĐS, đất đai và TCTD thông qua mới đây được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường BĐS phát triển bền vững.
Đối với người vay mua nhà, dù lãi suất đang thấp nhưng đa phần vẫn lo lãi vay tăng trở lại sau giai đoạn ưu đãi. Lãi suất cho vay mua nhà mới hiện khoảng 7%-9%/năm nhưng nhiều khoản vay cũ vẫn ở mức 11%-12%/năm. Để kích thích vay mua nhà, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng giảm lãi suất là chưa đủ mà cần có những gói cho vay cố định trong 10-20 năm nhằm tạo được niềm tin cho người mua nhà, giúp họ hoạch định tài chính tốt hơn.
Người lao động