ĐBQH cảm thấy "uất hận" khi rộ lên thông tin chạy 1 tỷ đồng để nâng điểm ở Sơn La
ĐBQH cho rằng, nếu thông tin chi 1 tỷ đồng/suất chạy nâng điểm ở Sơn La đúng thì đây được coi là "hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, thậm chí khả năng có cả môi giới".
- 29-05-2019Bị triệu tập liên quan đến gian lận điểm thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La thừa nhận sai rồi lại thay đổi lời khai
- 28-05-2019Gian lận thi cử ở Sơn La: 'Không ai tưởng tượng được người ta dám làm điều khủng khiếp như thế'
- 27-05-2019Mua điểm ở Sơn La 1 tỷ đồng/suất: Ít hơn hay nhiều hơn đều phải xử lý !
Nếu đúng 1 tỷ đồng/suất chạy nâng điểm có thể là hành vi tham nhũng
Theo phản ánh của báo chí cho rằng, trung bình một suất nâng điểm trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La là 1 tỷ đồng và Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này đã “gửi gắm” 8 thí sinh, chỉ đạo Phó Giám đốc Sở nhặt bài ra để sửa điểm
Trao đổi với PV bên lề Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH, đoàn Bến Tre) cho rằng, nếu thông tin chi 1 tỷ đồng/suất chạy nâng điểm là đúng thì đây được coi là "hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, thậm chí khả năng có cả môi giới...
Hành vi này nếu đúng rất nghiêm trọng, ở mức tiền tỷ thuộc khung hình phạt rất cao, ứng với các quy định của Bộ Luật hình sự. Vì vậy, cần phải xem xét, xử lý. Hiện, thẩm quyền thuộc vào các cơ quan điều tra, viện kiểm sát", ông Nhưỡng nói.
Vị ĐBQH này cho rằng, vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La đã gây ra hệ lụy là hành vi vi phạm pháp luật, do vậy, cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan.
Bên cạnh việc làm mất hình ảnh của các cơ quan quản lý, mất niềm tin của người dân đối với ngành giáo dục và hệ thống thi cử còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những cá nhân khác.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
Điều này dẫn đến trong xã hội chúng ta, mọi thứ đồng tiền chi phối, nén bạc đâm toạc tờ giấy, thay đổi nhân cách con người. Số tiền 1 tỷ đồng mà thay đổi nhân cách thì tôi nghĩ con người không còn là con người nữa", ông Nhưỡng chia sẻ.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho hay, khi nghe thông tin báo chí phản ánh về việc nghi phạm khai chạy 1 tỷ đồng/suất nâng điểm ở Sơn La, bà thấy số tiền quá lớn.
Bà chia sẻ, cá nhân không thấy sốc mà "uất hận: khi đặt vào cảm xúc các thí sinh và gia đình các thí sinh có số điểm xứng đáng nhưng bị tước đi cơ hội.
"Các thí sinh và gia đình của các em đã phải nỗ lực, phấn đấu để định hướng, nỗ lực trong suốt quá trình học tập. Tuy nhiên, sự tha hóa của những con người có mục đích xấu trong xã hội đã tước đi cơ hội của những em đó", bà Hiền bày tỏ.
Bà nhấn mạnh, nếu thông tin này đúng, số tiền 1 tỷ đồng chia cho cả ê-kíp từ người mua, người bán, người thụ hưởng "đồng nghĩa với việc nhân cách đạo đức, danh dự, nhân phẩm, thậm chí tương lai của 1 thí sinh, cả ê-kíp đó quá rẻ. Nó chỉ "đắt" khi sự việc đã được phát hiện và đó là cái giá phải trả quá đắt".
"Ngân hàng câu hỏi, phần mềm chấm thi như bí mật quốc gia nhưng vì đâu, cách làm như thế nào mà người ta bỏ đồng tiền ra mua quá dễ dàng như vậy?
Bí mật quốc gia đâu phải mua được bằng tiền, nhưng người ta đã mua được. Mấu chốt vấn đề ở chỗ đó, tại sao chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật này?", bà Hiền nói thêm.
Theo nữ đại biểu này, thông tin ban đầu về việc có thể mua điểm thi cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, chủ quan của cơ quan chức năng ngành giáo dục và lòng tham của một nhóm người đã tiếp tay cho những vi phạm nghiêm trọng.
1 tỷ đồng/suất nâng điểm: Cái giá đó không đắt lắm?
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Viết Lượng (Ủy viên TT Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, theo thông tin ông được biết Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã khẳng định, thông tin về việc chi trung bình 1 tỷ đồng/suất chạy điểm không chính xác.
"Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, mấu chốt vẫn nằm ở cơ quan điều tra. Còn công luận đặt ra vấn đề "tại sao người ta lại dám làm như vậy?" Rõ ràng phải có ai đó nhờ vả, tác động, hoặc vì một thứ lợi ích cá nhân nào đó.
Với những vấn đề mà dư luận đặt ra như vậy, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm làm rõ. Cụ thể, từ những vấn đề đã phát hiện, người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ vụ việc", ông Lượng nêu.
ĐBQH Phạm Viết Lượng. Ảnh: H.A.
Ông nói thêm, nhiều người mong muốn con mình được đỗ đạt, đặc biệt ở những trường cao. Vào những trường mà đầu ra có việc làm ngay, thu nhập lại ổn định, có vị trí, thì ai cũng thèm muốn cả. Thậm chí, nhiều người còn coi đó là danh dự của gia đình.
"Vì vậy, việc bỏ ra một khoản vật chất tương xứng với cái đó cũng có thể chứ, thế nên không có gì bất ngờ với số tiền đó.
Nếu như quan sát trong xã hội hiện nay, nhiều người đang có quá nhiều tiền. Họ bỏ ra một phần tài sản, so với người lao động bình thường lớn, nhưng so với những người có tiền không đáng gì.
Thậm chí, có nhiều người còn nói rằng, cái giá đó không đắt lắm (?)", ông Lượng nhấn mạnh.
Nam ĐBQH cho biết thêm, đã có ý kiến với Bộ Công an, Bộ GD&ĐT về việc vụ gian lận thi cử kéo dài gần một năm nay chưa được cơ quan chức năng các tỉnh thành xử lý triệt để.
"Thời gian điều tra cũng đã rất lâu rồi, dư luận cũng đặt sức ép, cần sớm kết luận, công khai xử lý nghiêm và chuẩn bị tốt cho mùa thi sắp tới. Đặc biệt, sau đó Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Theo tôi, Bộ Công an hiện cũng đang đứng trước một sức ép rất lớn, và ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đều đang cố gắng, tăng tốc để sớm đưa ra kết quả cuối cùng. Cá nhân tôi mong có ngay kết luận bây giờ chứ không phải bao giờ nữa", ông Lượng nêu ý kiến.
Trí Thức trẻ