MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Có "lợi ích nhóm" trong quy hoạch đô thị theo đề xuất của nhà đầu tư

27-05-2019 - 16:43 PM | Bất động sản

Đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, chất lượng quy hoạch đô thị thời gian qua thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch.

Chiều 27.5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đánh giá cao nỗ lực của đoàn giám sát đã báo cáo thẳng thắn, trách nhiệm, minh bạch có phụ lục, clip minh chứng kèm theo.

Tuy nhiên, vị đại biểu này thẳng thắn góp ý chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch.

Thậm chí, làm nát quy hoạch ban đầu, được minh chứng, đó là tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị.

Ông Vượt lấy dẫn chứng, theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần.

Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất.

“Đây là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải... ngày càng tăng.

Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác”, ông Vượt nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, dù báo cáo đã thể hiện bao trùm nhưng thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai. Từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8B Lê Trực , cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hay việc xà xẻo đất vàng tại các đô thị lớn.

Theo đại biểu Nhân, công tác quản lý đất đai thời gian qua ở nhiều nơi được nhận định còn tùy tiện, nhiều sai sót, lãng phí và không hiệu quả.

Vị đại biểu này đặt câu hỏi: "Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng? Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời. "

Theo C.NGUYÊN - Đ.CHUNG - T.TRUNG

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên