MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024

ĐBQH đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024

Chiều 1/6, góp ý về chủ trương tiếp tục giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, nhiều đại biểu đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách và mở rộng lĩnh vực thụ hưởng.

TS. Vũ Tiến Lộc
TS. Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
15 bài viết

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn Nam Định cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình khó khăn, một số doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán và bán bằng 50% giá thực. Người mua ở đây toàn là nước ngoài. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, nhất là đối với những doanh nghiệp mà chúng ta cần giữ và cần phải hỗ trợ để nền kinh tế phát triển.

ĐBQH đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn Nam Định

Kéo dài giảm 2% thuế VAT đến hết 2024

“Đành rằng khó khăn về kinh tế có yếu tố toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Đành rằng doanh nghiệp “lời ăn lỗ chịu”, năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt còn thấp, sức chống chịu và cạnh tranh chưa cao. Nhưng chúng ta cần có những chính sách nuôi dưỡng và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là những giai đoạn khó khăn này. Nếu không thì những doanh nhân Việt trở nên nhụt chí, lựa chọn biện pháp an toàn là bán bớt tài sản không muốn phát triển kinh doanh nữa”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa bày tỏ.

Với sự khó khăn của doanh nghiệp, nữ đại biểu cho rằng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 là quá ngắn và chi hỗ trợ ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã có dự báo khó khăn, thách thức thời gian tới còn rất lớn nền kinh tế tiếp tục chịu tác động kép từ yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

“Để hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trên thực tế và trong điều kiện thu ngân sách nhà nước cao hơn con số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng. Tôi đề nghị kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2025 hoặc chí ít đến hết năm 2024. Cùng với chính sách này, cần không chậm trễ trong hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp”, nữ đại biểu kiến nghị.

ĐBQH đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Chí Cường, đoàn Đà Nẵng

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Chí Cường, đoàn Đà Nẵng cũng đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024.

“Chính phủ cân nhắc việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, như vậy là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất”, đại biểu Trần Chí Cường nêu ý kiến.

Cân nhắc mở rộng đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương đề xuất rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng.

ĐBQH đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị áp dụng mức thuế xuất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.

Theo đại biểu, việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế VAT.

ĐBQH đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 - Ảnh 4.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cũng đề xuất thực hiện giảm 2% thuế VAT ra tất cả các lĩnh vực và kéo dài đến hết năm 2024, cùng với một số điều kiện để chính sách có thể được tiếp tục kéo dài mà không nhất thiết phải trình ra Quốc hội.

“Hiện nay, thị trường thế giới đang khó khăn, nên tác động vào thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức. Các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường sẽ không có nhiều tác dụng. Thị trường chúng ta có thể tác động được là thị trường trong nước. Trong những tháng qua, dù thị trường có tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, tuy nhiên, vẫn còn trong xu thế suy giảm. Kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng. Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ vừa giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ.

Về ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng có điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách này, thậm chí với quy mô rộng hơn. Đánh giá cao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý thời gian qua, đại biểu cho rằng, dư địa chính sách tài chính cho đến nay còn rất nhiều, do vậy, cần mở rộng chính sách tiền tệ để yểm trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo Nhóm PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên