MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: "Doanh nghiệp chơi vơi giữa dòng giá, làm thì lỗ, không làm thì phá sản"

Đây là thực trạng của nhiều doanh nghiệp trên cả nước hiện nay được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm nay 1/11.

10 doanh nghiệp gia nhập có đến 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo đại biểu Bình, nguyên nhân là do suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, sản xuất cầm chừng.

ĐBQH: "Doanh nghiệp chơi vơi giữa dòng giá, làm thì lỗ, không làm thì phá sản" - Ảnh 1.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn của một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Đại biểu dẫn chứng: “Trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập có đến 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhất là thời điểm cuối quý 1/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân trong quý 1/2023 có khoảng 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động mỗi tháng, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường”.

Cùng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu thực tế về tình trạng “doanh nghiệp làm thì lỗ, không làm thì phá sản” đang diễn ra nhiều nơi.

Theo đại biểu Thắng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 3.000 km đường cao tốc, Việt Nam “như một đại công trường” mà ở đó còn nhiều khó khăn, bất cập về vật liệu đắp nền, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm quốc gia. Đại biểu dẫn chứng việc cấp phép khai thác vật liệu ở địa phương mất nhiều thời gian, thủ tục cấp phép rắc rối, tình trạng găm hàng, nâng ép giá vật liệu đang diễn ra nhiều nơi.

ĐBQH: "Doanh nghiệp chơi vơi giữa dòng giá, làm thì lỗ, không làm thì phá sản" - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

“Tình trạng găm hàng, ép giá vật liệu đang diễn ra nhiều nơi, doanh nghiệp chơi vơi giữa dòng giá, làm thì lỗ, không làm thì phá sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt giải quyết, song dường như các biện pháp vẫn chưa đủ mạnh và hiệu quả”, ông Thắng cho hay.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo điều chỉnh các định mức phù hợp, hướng dẫn kịp thời, rút gọn, đơn giản thủ tục cấp phép khai thác mỏ, vật liệu, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, đánh giá tác động để sớm đưa sử dụng các vật liệu mới thay thế.

“Chúng ta đang nỗ lực để có thêm ngày càng nhiều kilomet đường bộ cao tốc, nhưng quan trọng hơn là hoàn thành đến đâu phải vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả đến đó”, đại biểu Thắng nói.

Điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng hơn

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù; chính sách đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu.

“Cần hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực”, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị.

Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

“Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện gây thiệt hại cho sản xuất”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu ý kiến.

Đồng tình với các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy nguồn lực cho đầu tư phát triển, bao gồm việc sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, bố trí 3.000 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực y tế.

ĐBQH: "Doanh nghiệp chơi vơi giữa dòng giá, làm thì lỗ, không làm thì phá sản" - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP.HCM

Đánh giá cao chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, cần phải có cơ chế để cho vay trung và dài hạn thay vì chỉ áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn như hiện nay vì những lĩnh vực ưu tiên này là những động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là khoa học công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế số, công nghệ cao… Đây là những động lực để tăng trưởng kinh tế và gia tăng năng suất lao động cho nền kinh tế trong thời gian tới, đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng hơn.

“Hiện nay, thuế VAT đã giảm từ 10% xuống 8% cho một số mặt hàng. Tuy nhiên, trong thực tế, một số doanh nghiệp gặp lúng túng trong việc áp thuế đối với việc giảm này, không biết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của họ có được áp 8% hay không? Cho nên cũng còn lúng túng. Để kích cầu nền kinh tế, tôi nghĩ rằng nên giảm VAT cho tất cả các mặt hàng của nền kinh tế thay vì chỉ một số mặt hàng”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu ý kiến.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên