MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Nhiều khách hàng xem mình là thượng đế, có hành vi chưa đúng mực

26-05-2023 - 15:10 PM | Xã hội

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh, nhiều người tiêu dùng nghĩ các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế nên có hành vi chưa đúng mực, ảnh hưởng xấu các cơ sở.

Ý kiến trên được nêu tại buổi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra sáng 26/5 trong khuôn khổ Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…

Ông phân tích, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật.

ĐBQH: Nhiều khách hàng xem mình là thượng đế, có hành vi chưa đúng mực - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh phát biểu sáng 26/5.

Theo đại biểu, hai luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất. Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Hay ở Nhật Bản, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng.

Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên, một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng, đó là người tiêu dùng.

Đơn cử, nhiều người dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác. "Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã và đang gặp phải những vấn đề ở trên. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế" , ông nói.

Theo đại biểu tỉnh Bình Đình, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác. Tại Khoản 6, Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng nêu quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

Do đó, Luật này cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

ĐBQH: Nhiều khách hàng xem mình là thượng đế, có hành vi chưa đúng mực - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự buổi thảo luận sáng 26/5.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Luật cần làm rõ khái niệm người tiêu dùng minh bạch, rõ ràng hơn để tạo thuận lợi trong áp dụng

Theo đó, khái niệm người tiêu dùng ở dự thảo Luật chưa nêu hết tất cả các đối tượng được tham gia vào hoạt động mua bán như: gia đình, hộ gia đình hoặc là hợp tác xã...

Người tiêu dùng có thể được hiểu là người mua và sử dụng nhưng cũng có những trường hợp người mua không đồng thời là người sử dụng. Vậy trường hợp này ai được xác định là người tiêu dùng, người mua hay là người sử dụng và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng sẽ thừa nhận và bảo vệ cho ai.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng đặt vấn đề người tiêu dùng ngoài mục đích tiêu dùng sinh hoạt như trong khái niệm nêu ra thì có còn các nhu cầu khác nữa hay không.

Từ những phân tích trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị ban soạn thảo thể hiện khái niệm người tiêu dùng minh bạch, rõ ràng hơn để dễ triển khai thực hiện.


Hà Cường/VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên