MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: "Ở tù để cải tạo hay để làm kinh tế?"

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) không đồng tình việc để phạm nhân lao động ngoài trại giam vì cho rằng bản chất của tù là cải tạo để nhận ra tội lỗi chứ không phải để tạo ra giá trị kinh tế.

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIV, góp ý về dự thảo Luật Hình sự dự định cho phép trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam, đại biểu Phạm Đình Cúc nhận định rằng: Hiện nay có nhiều trại giam có quy mô giam giữ lớn, nếu tổ chức lao động ngoài trại giam cho phạm nhân thì số tiền thu được sẽ là không hề nhỏ, thậm chí mỗi năm hàng chục tỷ VND. "Vậy quản lý số tiền này như thế nào?" - ông Cúc đặt vấn đề.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) thì lo ngại nếu quy định này thành hiện thực, liệu có đảm bảo sự công bằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sử dụng lao động từ trại giam và doanh nghiệp sử dụng lao động bình thường.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) thì không đồng tình cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, vì đó là những đối tượng đã có hành vi gây hại cho xã hội, và bản chất của tù là cải tạo để nhận ra tội lỗi chứ không phải để tạo ra giá trị kinh tế.

"Nếu để phạm nhân đi lao động, tạo ra tiền thì tôi e rằng việc đi tù sẽ không mang tính răn đe", ông Hùng bày tỏ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, lao động của phạm nhân là nghĩa vụ bắt buộc, không dựa trên cơ sở hợp đồng lao động nên phạm nhân không được hưởng toàn bộ tiền công lao động trong mọi trường hợp như lao động ngoài xã hội. Bên cạnh đó, việc tổ chức cho phạm nhân lao động nhằm mục tiêu chính là giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Do năng suất, hiệu quả lao động và giá trị thu được qua tổ chức lao động tại các trại giam rất hạn chế, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. 

ĐBQH: Ở tù để cải tạo hay để làm kinh tế? - Ảnh 1.

Vì vậy, việc quy định phạm nhân được hưởng một phần công lao động là phù hợp, mức cụ thể được xác định theo kết quả lao động tại từng trại giam. Bên cạnh đó, để bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phạm nhân, tiếp thu ý kiến ĐBQH, điểm e khoản 1 Điều 34 được chỉnh lý, quy định nguyên tắc “Chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất”, đồng thời, bổ sung khoản 4 giao Chính phủ quy định chi tiết về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

Cụ thể, kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ chi phí vật tư, nguyên liệu, tiền công thuê lao động bên ngoài; chi phí điện, nước; tiền ăn thêm do lao động nặng nhọc, độc hại theo ngành, nghề ngoài tiền ăn của phạm nhân theo tiêu chuẩn do ngân sách nhà nước cấp; tiền bồi dưỡng cho phạm nhân làm thêm giờ hoặc làm ngày nghỉ; khấu hao tài sản, chi phí quản lý trực tiếp cho hoạt động lao động của phạm nhân, được sử dụng như sau:

Thứ nhất là bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam và chi thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động. Sau đóm kết quả lao động cũng được sử dụng để chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù và chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất.

ĐBQH: Ở tù để cải tạo hay để làm kinh tế? - Ảnh 2.

Việc thu, chi từ hoạt động lao động, học nghề của phạm nhân được thực hiện như sau: Trại giam mở sổ sách kế toán và việc ghi chép, hạch toán nghiệp vụ thu, chi tài chính phát sinh, báo cáo tài chính thực hiện theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Mọi khoản thu, chi từ hoạt động lao động, học nghề của phạm nhân được phản ánh qua hệ thống sổ sách tài vụ - kế toán của trại giam. Trại giam tập hợp đầy đủ các chi phí quy định theo luật vào giá thành sản phẩm.

Báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động của phạm nhân trong các trại giam là báo cáo tổng hợp về số liệu, tình hình và kết quả thu, chi từ hoạt động tổ chức lao động cho phạm nhân. Giám thị trại giam chịu trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp và báo cáo thuyết minh chi tiết về kết quả thu, chi từ hoạt động lao động của phạm nhân gửi về cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo kết quả thu, chi từ hoạt động lao động của phạm nhân và báo cáo cơ quan quản lý tài chính Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên