ĐBQH Pháp gốc Việt đầu tiên tự hào với "tóc đen, da vàng", vận động 600.000 liều vaccine cho Việt Nam
Stephanie Đỗ là nữ đại biểu gốc Việt đầu tiên ở Quốc hội Pháp. Đường đến Quốc hội Pháp của Stephanie Đỗ thể hiện đầy đủ nhất tính cách Việt: kiên cường, siêng năng, ham học hỏi.
- 09-04-2024"Kho báu" ngành du lịch nhìn từ Phú Quốc: Liên tiếp đón các siêu tàu 5 sao, có tour mỗi khách phải trả hơn 650 triệu đồng
- 09-04-2024Hà Nội sẽ 'khơi thông' đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
- 09-04-2024Hủy gần 20 chuyến bay đến/đi từ Điện Biên
Mẹ tôi là người Hà Nội, ông ngoại tôi ở Hà Nội còn bà ngoại tôi ở Hải Phòng. Mẹ tôi ở Hà Nội đến khi 3-4 tuổi thì cả gia đình vào Sài Gòn. Vì gia đình bên ngoại tôi là dân buôn bán, ông ngoại tôi là chủ một tiệm dầu thơm, còn gia đình bên nội lại có truyền thống dạy học, cộng thêm sự khác biệt về vùng miền khiến ban đầu việc bố mẹ tôi lấy nhau bị ngăn cản.
Gia đình mẹ tôi đông anh em. Từ nhỏ mẹ tôi đã đi chợ nấu ăn cho gia đình. Nhờ đó mà mẹ tôi đam mê nấu nướng, sau này đi qua Pháp một tay mẹ tôi lên Paris làm đầu bếp nuôi cả gia đình.
Từ Việt Nam qua Pháp, gia đình tôi chuyển tới Cognin-les-Gorges, một ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa núi non mà như mẹ tôi nói là xứ "khỉ ho cò gáy". Khi còn ở Việt Nam, mẹ tôi đã quen ở những đô thị lớn, vì thế, đi trên xe bà bật khóc.
Không chấp nhận điều này, chỉ một thời gian sau, bà một mình phóng lên Paris đi tìm việc làm rồi quyết định đưa cả nhà tôi lên Paris. Bố tôi khi còn ở Việt Nam làm thầy giáo, nên nhận nhiệm vụ ở nhà dạy con cái học.
Hên cái là mẹ tôi đam mê làm bếp nên không có gì mà chán. Bà vui và còn rất thích đi làm, thích làm các món mới. Nên bây giờ ở với mình, bà cũng liên tục đổi mới, làm món mới cho gia đình.
Món gì mẹ tôi cũng nấu được hết. Bún thang là món bà làm ngon nhất xong đến chạo tôm, ngon "hết sảy", bánh xèo, phở… món gì mẹ cũng nấu được. Gia đình nhà ngoại tôi thì thích ăn món Bắc, gia đình nhà nội lại ăn món Sài Gòn, còn nhà tôi ăn cả 2 luôn.
Trong cái gene của tôi có cả tính cách của bố và mẹ, ở bố là sự đam mê học hành, còn năng lượng, sự năng động, tính cách quảng giao là từ mẹ. Bây giờ, mẹ đã ngoài 70 tuổi nhưng nếu ngồi không, không làm gì là bà bệnh liền, cứ phải làm cái gì đó. Tôi giống mẹ cái tính đó. Ngay cả sự vươn lên, vượt qua khó khăn cũng là giống mẹ.
Tôi có được cả 2 dòng máu, 2 tính cách. Giống ba, thì tôi có sự đam mê con đường học hành nhưng nhút nhát, có tính của mẹ vô, tôi có thêm cái năng động, dũng cảm, vừa Hà Nội, vừa Sài Gòn, rất tuyệt.
Giống như khi tôi về đây, Hà Nội là quê hương của tôi, Sài Gòn cũng là quê hương của tôi, đi đâu cũng là quê hương tôi.
Ở Pháp, người ta gặp tôi hay hỏi: "Stephanie là gốc Hà Nội hay Sài Gòn?", tôi trả lời: "Stephanie là người Việt Nam".
Tôi thấy tôi may mắn vì học được từ bố nhiều kiến thức lịch sử Việt Nam từ xưa đến giờ nên lòng tự hào của tôi rất cao. Máu Việt của tôi rất mạnh, tôi rất tự hào là người Việt. Khi đi học, có nhiều bạn từ những nước khác học chung, người nào mà hỏi tôi: "Mày là người gốc Hoa hả" là tôi đáp liền: "Ê! Mày nhìn mặt tao mà nói tao là người Hoa hả?"
Ngay từ nhỏ tôi đã nhận biết được gốc gác mình là Việt Nam. Tôi luôn tự hào là người Việt Nam, cho đến khi lựa chồng, người mà tôi yêu cũng phải là người Việt Nam. Ngay từ lúc còn trẻ, tôi đã có ý nghĩ chỉ muốn cưới người gốc Việt. Chồng của tôi sinh bên Pháp nhưng có cái tên rất Việt là Nguyễn Trung.
Khi đi học, đi làm, tôi luôn tâm niệm tôi không chỉ học, chỉ làm cho gia đình mà còn cho gốc Việt Nam của tôi nữa. Một thời gian dài sống ở Pháp, cái gì tốt của người Pháp thì tôi học, cái gì tốt của người Việt thì tôi giữ. Khi vào việc tôi còn khó tính hơn cả "tây", mình lấy cái gì tốt nhất của 2 cái văn hóa.
Làm việc được 10 năm trong khu vực tư nhân, đến một ngày tôi nghĩ mình đã thành thục và bây giờ là lúc để mở rộng tầm nhìn. Tôi luôn muốn khám phá thử thách mới và quyết định thử sức ở lĩnh vực công.
Và bước đầu tiên là đi học lấy bằng Master 2 về quản lý công. Tôi vừa đi học, vừa đi làm, đó là thời gian mà tôi đắm chìm trong lĩnh vực công và phát hiện mình có một sự quan tâm nhất định dành cho Nhà nước, chính quyền và chính trị.
Năm 2016, ông Emmanuel Macron thành lập phong trào Tiến bước. Thời điểm đó, Macron nổi tiếng là một vị Bộ trưởng trẻ trung, năng động. Vì thế, tôi đã tham dự các cuộc họp đầu tiên và bị thu hút bởi kế hoạch mà Macron dự định mang đến cho đất nước. Mục đích của ông đáp ứng hoàn toàn nguyện vọng của cá nhân tôi: lắng nghe từng người dân, phân tích nguyên nhân và sau đó đưa ra giải pháp cho các vấn đề được nêu. Nếu đây là chính trị thì tôi hoàn toàn làm được.
Tháng 11/2016, phong trào Tiến bước kêu gọi ứng viên tham gia. Tôi liền gửi hồ sơ và được Macron chọn vào vị trí tư vấn giám sát tỉnh Seine-et-Marne.
Tháng 5/2017, ông Macron chiến thắng bà Le Pen, trở thành Tổng thống trẻ nhất nước Pháp ở tuổi 39. Năm 2022, ông tiếp tục tái đắc cử và là Tổng thống Pháp tái đắc cử đầu tiên sau 20 năm.
Đến tháng 6/2017, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra. Trùng hợp là đảng của chúng tôi rất thiếu phụ nữ mặc dù bình đẳng giới là một trong những giá trị cốt lõi trong chương trình của Tổng thống Macron. Các nhà hoạt động khích lệ tôi ra tranh cử. Cho đến tận lúc ấy, tôi cũng không chắc mình sẽ giành được một ghế trong tỉnh.
Các đối thủ của tôi là 2 phụ nữ: một là cựu Bộ trưởng, từ đảng Xã hội, người còn lại là luật sư, từ đảng Cộng hòa trong khi tôi chỉ là nhân vật vô danh của một đảng phái non trẻ.
Nhưng cũng vì thế mà tôi tiến lên với tâm thế khiêm nhường, tuyệt đối không căng thẳng. Thực sự, tôi chỉ nghĩ đến những kỷ niệm vui.
Trong quá trình ứng cử, tôi với mấy cô bạn đi theo ủng hộ, gõ cửa nhà từng người dân để phát tờ rơi về chương trình hành động của mình. Trong thời tiết mùa hè tháng 6, chúng tôi đi bộ nguyên ngày. Khi đang mệt thì đi ngang qua một cây anh đào trĩu mọng. Chúng tôi nhìn nhau, dừng chân để hái quả và ăn ngay tại chỗ. Lúc đó tôi rất vui, hồn nhiên và vẫn không nghĩ là mình sẽ thắng, mình sẽ làm chính trị.
Mặc dù chưa từng làm chính trị, các chính sách của tôi cho vùng mới mẻ, trẻ trung, mong muốn đổi mới nên được người dân ủng hộ. Cuối cùng, số phận đã đưa tôi đến Quốc hội Pháp.
Năm 2021, dịch COVID-19 ở Pháp rất nặng nề, người tử vong vì COVID-19 rất nhiều. Quy định của Pháp là các nghị sĩ phải đến trụ sở Quốc hội để bấm nút thông qua luật.
Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn và nguy hiểm, tôi đã liều mạng khi con gái tôi mới 2 tuổi! Mặc dù vậy, sự gắn bó với đất nước đã khiến tôi là một trong số những nghị sĩ hiếm hoi tình nguyện vào Quốc hội từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 ở Pháp, ngay trong đợt đầu tiên, khi không có vaccine, không có khẩu trang, và không có hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này!
Tôi tự làm khẩu trang cho mình và đến Quốc hội, nơi đã trở thành tâm điểm chính của COVID-19 kể từ khi nó xuất hiện, trong khi toàn bộ nước Pháp đang bị phong tỏa. Nhớ lại vẫn thấy hú hồn, lạ lùng với chính mình.
Suy nghĩ của tôi lúc đó là phải có những nghị sĩ bỏ phiếu về ngân sách, giải quyết tình trạng thất nghiệp một phần cho đồng bào của chúng tôi, hỗ trợ các doanh nghiệp và cung cấp nơi ở cho những người vô gia cư. Sự cam kết, cống hiến và đóng góp của tôi trong đại dịch COVID-19 đã được Tổng thống Cộng hòa Pháp, ông Emmanuel Macron nhấn mạnh trong cuốn sách về chặng đường đến Quốc hội Pháp của tôi.
Cũng vào thời điểm đó, truyền thông đưa tin về việc nhiều nước không có đủ vaccine ngừa COVID-19, trong đó có Việt Nam. Truyền hình đưa cảnh người dân phải chạy xe gắn máy về quê. Tôi mới nghĩ cách vận động để Pháp viện trợ vaccine cho Việt Nam.
Nhưng các nước khác như Tunisia, Algérie cũng muốn được Pháp viện trợ vaccine.
Tôi phải viết thư cho Tổng thống, Bộ trưởng Y tế. Cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tôi thuyết phục chính phủ Pháp rằng, khi nước Pháp không có khẩu trang, Việt Nam đã gửi khẩu trang cho Pháp thì bây giờ Pháp cần phải viện trợ vaccine cho Việt Nam.
Tôi viết đến viết đến 3 - 4 lần trong 3 tháng, cuối cùng Pháp phê duyệt viện trợ cho Việt Nam 600.000 liều, và chỉ ngay sau Tunisie là đến Việt Nam được viện trợ. Tôi mừng muốn chết!
Thời điểm diễn ra dịch COVID-19, người gốc Á bị kỳ thị khủng khiếp. Lên tàu lửa mà thấy người gốc Á là họ chạy xa cả mét, ở trường, học sinh gốc Á cũng bị kỳ thị. Tôi viết cho Bộ trưởng Y tế nói về việc cộng đồng châu Á bị kỳ thị và yêu cầu bà Bộ trưởng phải lên tiếng để giải quyết tình trạng này. Trong Quốc hội Pháp, đại biểu gốc Á rất ít, chỉ có tôi và một nam nghị sĩ gốc Hoa. Nếu mình không nói cho cộng đồng mình thì ai nói?
Nhìn lại chặng đường của mình, gia đình là một nguồn động viên với tôi. Như truyền thống của người Việt, gia đình tôi, bố, mẹ, các anh em trai đều sống gần nhau.
Chủ nhật nào các gia đình cũng sum tụm, mẹ tôi nấu ăn, mấy đứa cháu giờ cũng vẫn giữ thói quen như vậy. Tôi nghĩ văn hóa Việt Nam được lưu giữ và tồn tại là nhờ các buổi gia đình tụ họp và các món ăn ngon mẹ tôi hay nấu vào Chủ nhật.
Tháng 8 năm 2022, tôi đưa con gái về Việt Nam. Khi ở Pháp, Melissa con gái tôi chỉ biết tóc nó đen giống mẹ, nhưng về Việt Nam xong, nó biết nó là người Việt Nam, mỗi lần tôi hỏi: "Melissa là người Pháp hay người Việt Nam?", nó đều trả lời là người Việt Nam, món ăn nào nó cũng đòi dùng đũa. Khi hỏi nó muốn về Việt Nam không thì nó nói: "Đi, đi liền, đi liền!"
Về Việt Nam Melissa được bố chở xe gắn máy cho ngồi đằng trước khoái lắm, chắc sau này nó cũng sẽ yêu Việt Nam, bà ngoại ở nhà nói tiếng Việt với nó, tôi cũng vừa nói tiếng Pháp, vừa nói tiếng Việt Nam với con. Truyền thống, tình cảm Việt Nam vẫn được tiếp nối một cách tự nhiên, nhờ sự giáo dục trong gia đình.
Tôi nói cho con biết: mình có tóc đen, da vàng, rất đẹp.
Tôi cũng sẽ nói với con rằng cống hiến cho đất nước là một điều hãnh diện. Không có gì tuyệt vời hơn cống hiến được cho nhiều người dân, cho cả nước Pháp và cả cộng đồng người Việt thì sự cống hiến của mình có giá trị.
Tôi không muốn mình sống như chỉ vút qua trái đất này. Trong cuộc sống phải làm những điều có giá trị, giúp cho xã hội đi lên. Đó là một vinh hạnh.
Đời sống pháp luật