ĐBSCL: Nông dân điêu đứng trong đại hạn
Đã có 9/13 tỉnh, thành ĐBSCL công bố thiên tai do hạn, mặn. Mức độ thiệt hại mỗi tỉnh khác nhau nhưng con số thống kê sơ bộ không tỉnh nào thiệt hại dưới 100 tỉ đồng. Cơn đại hạn đã làm cho người nông dân vùng đồng bằng châu thổ này khổ sở đến vậy.
- 31-03-2016Giá nhiều mặt hàng tăng vọt vì hạn hán
- 26-03-2016Hạn hán khốc liệt, giá dầu thô giảm đẩy kinh tế vào khó khăn
- 25-03-2016Giá lúa tăng do hạn hán, xâm nhập mặn
Như cơn bão càn quét đồng bằng
Mức độ thiệt hại do hạn mặn được các sở NN&PTNT ĐBSCL cập nhật tăng lên từng ngày. Cách đây hơn nửa tháng, Bạc Liêu vẫn chưa công bố thiên tai dù các tỉnh khác đã công bố. Thiệt hại chỉ gần 10.000 ha lúa trên đất lúa - tôm. Ấy vậy mà đến 31.3, thống kê đã lên đến 13.800ha. Tổng thiệt hại theo ông Lương Ngọc Lân lên đến 138 tỉ đồng!
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký quyết định công bố thiên tai cấp độ 2 (8 tỉnh chỉ công bố thiên tai cấp độ 1). Kế cận Bạc Liêu là Cà Mau con số thiệt hại tăng lên hàng ngày. Chỉ riêng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn chi nhánh Cà Mau, số tiền vay của 13.000 hộ nông dân không có khả năng thanh toán do hạn, mặn đã lên đến trên 500 tỉ đồng.
Ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau - cho biết, con số chính thức thiệt hại chưa được thống kê, nhưng không dưới 150 tỉ đồng đối với người trồng lúa, còn các thiệt hại khác chưa thể thống kê được.
Tỉnh Sóc Trăng thiệt hại đã lên đến trên 100 tỉ đồng. Toàn bộ vùng mía nguyên liệu của tỉnh tại huyện Cù Lao Dung gần như không thu hoạch được do vỡ đê, mặn tràn vào khiến cây mía chết khô.
Thống kê của Cục trồng trọt cho thấy, Bộ NN&PTNT toàn vùng ĐBSCL có đến trên 130.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Cơ quan này cũng cảnh báo, mùa khô kết thúc trễ sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ sau.
Không riêng gì cây lúa mà hoa màu, cây ăn trái vùng ĐBSCL cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn. Xâm nhập mặn cũng khiến nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Cá lồng bè trên sông Tiền thuộc hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chết hàng loạt. Trên 300ha diện tích nuôi hào tại Bến Tre bị thiệt hại nặng nề. Độ mặn tăng cao khiến cho trên 5.000ha nuôi tôm tại Bạc Liêu, 2.800ha tại Cà Mau bị thiệt hại và trên 12.000ha diện tích nuôi tôm tại Sóc Trăng người dân không dám thả giống dù đã trễ mùa vụ.
Điều đáng nói là diện tích xâm nhập mặn tăng cao tại Cà Mau khiến cho nguy cơ vỡ quy hoạch trồng lúa do người dân đưa nước mặn vào nuôi tôm một cách tự phát mà chính quyền khó ngăn chặn.
Đời sống bị xáo trộn
Bà Thạch Thị Lành (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) chỉ ra cánh đồng một màu vàng úa vì nhiễm mặn, nói: “Làng bây giờ chỉ còn người già và trẻ con thôi. Tui mai mốt cũng đi Bình Dương làm ăn rồi. Ở đây chắc có nước chết luôn đó”.
Lý do người dân Sóc Trăng và cả những vùng nông thôn khác đi Bình Dương, TP.HCM tìm việc làm, theo bà Lành là do hầu hết nông dân mang nợ do không thu hoạch được lúa. Hầu hết người dân mua phân bón, thuốc trừ sâu từ các đại lý đợi tới mùa gặt mới trả tiền. Nay thu hoạch lúa chẳng được bao nhiêu nên hầu hết đều mang nợ. Ngoài ra, họ ra đi để tìm việc nuôi sống bản thân hàng ngày đợi đến mùa sa mưa mới quay về chốn cũ làm ăn.
Anh Quách Minh Tú sản xuất 20 ha lúa đông xuân tại huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu bị mặn xâm nhập không phát hiện kịp nên toàn bộ diện tích đều bị khô cháy. Anh ngậm ngùi: “Tôi bỏ ra trên 300 triệu đồng cho vụ này, bây giờ không thu hoạch được gì. Mùa nay coi như trắng tay”.
Tại U Minh Hạ, Cà Mau, mặn đã xâm nhập sâu vào những diện tích rừng - lúa khiến đời sống người dân bị xáo trộn. Hầu hết bỏ làng ra đi tìm kế sinh nhai. Số còn lại những tưởng vào rừng tìm sản vật sống qua ngày, nhưng những cánh rừng báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm nên không cho dân vào rừng dưới bất cứ hình thức nào. Kế đó, hai xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Người dân phải “đổi” nước ngọt với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/1m3 nước.
Lao động