Đề án chuyển đổi số quốc gia: 2025, Việt Nam lọt top 4 ASEAN về "số hóa"
Đến 2025, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kết nối với hồ sơ sức khỏe toàn dân, người dân không cần sử dụng sổ y bạ khi khám bệnh chữa bệnh...
"Mục tiêu chung đến năm 2025 Việt Nam thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia" là mục tiêu được đưa ra tại dự thảo Đề án "Chuyển đổi số quốc gia" đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến.
Theo dự thảo, đề án Chuyển đổi số được chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2019-2020) là số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Giai đoạn này sẽ triển khai số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra nguồn tăng trưởng mới (nội dung gồm tập trung xây dựng hạ tầng nền tảng; tạo điều kiện môi trường pháp lý; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là SMEs; phát triển start-up số; phát triển nguồn nhân lực số).
Giai đoạn 2 (2021-2025): số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Theo đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế bằng cách triển khai các hệ sinh thái số tích hợp mới, hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng (tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, dịch chuyển các doanh nghiệp lên các nền tảng số/các hệ sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị hội tụ…).
Và giai đoạn 3 (2026-2030): kinh tế - xã hội số toàn diện. Trong giai đoạn này sẽ tiến tới nền kinh tế, xã hội số toàn diện, mọi lĩnh vực số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế (nội dung là tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ số mới như AI, Immersive Media, IoT, Cybersecurity; chuyển số toàn diện, sâu sắc trong các lĩnh vực).
Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025 là chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (World Competitiveness Scoreboard) theo WEF thuộc top 40 (đến năm 2020 đạt top 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch lên nền tảng số (đến 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (đến 2020 đạt 15%); phát triển ít nhất 80 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (đến 2020 đạt 35 nghìn doanh nghiệp số).
Đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu dịch vụ công nghệ lớn trên thế giới và đưa công nghiệp 4.0 phổ cập ở Việt Nam.
Đối với mục tiêu chuyển đổi số xã hội, thì tất cả người dân sẽ được truy cập Internet băng thông rộng như một tiện ích thiết yếu; Việt Nam sẽ nằm trong to 50 về ICT Development Index (IDI), đến 2020 đạt top 80; 70% dân số có kỹ năng số cơ bản (2020 là 30%); 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kết nối với hồ sơ sức khỏe toàn dân, người dân không cần sử dụng sổ y bạ khi khám bệnh chữa bệnh (đến 2020 đạt 80%) và 100% các bệnh viện hạng I có bện án điện tử.
Về chuyển đổi số cơ quan nhà nước, nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10-15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2025 (theo đánh giá cảu Liên hợp quốc); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 80% vào năm 2025 (2020 đạt 60%); tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 50% (2020 là 30%).
Đối với mục tiêu phát triển lực lượng lao động số thì 50% lực lược lao động được re-skills, up-skills về ICT (2020 đạt 10%); đào tạo thêm 1 triệu chuyên gia ICT, ưu tiên các công nghệ mới như AI, Big Data, Cloud, IoT,… (đến năm 2020 đạt 300.000).
Mục tiêu phát triển hạ tầng số, theo đó đến 2025, mạng di động 5G phủ sóng hầu khắp cả nước với dịch vụ mới trên nền tảng 5G (đến 2020 triển khai 5G thương mại); mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan nhà nước kết nối đến 100% xã phường; đưa VNIX (hệ thống trung chuyển dữ liệu Internet quốc gia) thành Hub khu vực (đến 2020 mở rộng VNIX theo mô hình quốc tế); cáp quang kết nối đến 40% hộ gia đình tốc độ 1GBps (2020 kết nối đến 25% hộ gia đình tốc độ 25MBps); 80 thuê bao băng rộng di động/100 dân (2020 là 60%).
Cùng đó là 100% cơ sở giáo dục bậc đại học, phổ thông có kết nối băng rộng tốc độ 1GBps; 100% cơ sở y tế kết nối băng rộng tốc độ 1GBps (đến 2020 là 100% cơ sở y tế kết nối băng rộng, trong đó 20% cơ sở y tế có tốc độ 100MBps); hạ tầng IoT, điện toán đám mây được ứng dụng rộng khắp trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước; bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyển đổi số; và Việt Nam trở thành HUB an toàn, an ninh thông tin trong khu vực ASEAN.
Vneconomy