Để các trường ĐH chấm thi THPT Quốc gia: Có hạn chế được tiêu cực?
Việc giao các trường chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 theo nhiều chuyên gia sẽ góp phần hạn chế tiêu cực. Nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn lo ngại...cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới.
- 25-04-2019108 thí sinh gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La: Bộ Giáo dục xử lý thế nào?
- 23-04-2019Phó Chủ tịch Hoà Bình lên tiếng về gian lận thi cử
- 22-04-2019Bộ trưởng GD&ĐT thẳng thắn nói về gian lận thi Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang
- 22-04-2019ĐH Kinh tế quốc dân đuổi 5 thí sinh 'gian lận' ở Sơn La
Mới đây, Bộ GD ĐT vừa giao nhiệm vụ chấm thi THPT Quốc gia 2019 cho các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, các trường đào tạo giáo viên phối hợp với các Sở GDĐT thực hiện.
Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử như năm 2018, trong Quyết định, Bộ GDĐT đã quy định rõ các đơn vị - trường đại học chấm thi trắc nghiệm.
Trao đổi về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPQ Quốc gia 2019, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, năm nay nhà trường sẽ phối hợp cùng ĐH Phan Thiết, ĐH Kinh tế tài chính và Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và chấm thi tại tỉnh Bình Thuận.
Ông Phạm Thái Sơn chia sẻ: "Là đơn vị chủ trì chấm thi tại tỉnh Bình Thuận cộng với áp lực của kỳ thi năm nay nên công tác chuẩn bị của trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cần kỹ hơn để tránh xảy ra sai sót, tiêu cực.
Bên trường đã cử người tham gia Ban chỉ đạo thi theo yêu cầu của tỉnh và tập huấn công tác chấm thi theo phần mềm mới của Bộ. Nhà trường năm nay sẽ tăng cường công tác tuyển chọn cán bộ tham gia công tác coi thi, chấm thi và hạn chế sử dụng người "quê gốc" tại tỉnh Bình Thuận về làm nhiệm vụ".
Ngoài ra, ông Phạm Thái Sơn cũng cho biết thêm, nhiệm vụ chấm thi THPT Quốc gia cũng vừa vinh dự nhưng cũng vừa áp lực cho nhà trường. Áp lực lớn nhất là thực hiện một kỳ thi minh bạch, an toàn.
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cũng cho hay, ông rất ủng hộ việc Bộ GD ĐT có chủ trương giao cho các trường ĐH kết hợp với các Sở GDĐT tổ chức kỳ thi và chấm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
"Theo nhận định chủ quan của tôi, nhiều năm qua và cho đến kỳ thi THPT QG năm 2018, bên cạnh một số địa phương làm tốt và khá tốt việc coi thi, còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Nhiều nơi còn dễ dãi trong khâu coi thi vì bệnh thành tích, vì “thương” học trò... Vì vậy, việc giao cho các trường ĐH chắc chắn sẽ góp phần làm giảm tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019" - ông Nguyễn Văn Ngai nói.
Còn ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GDĐT cho rằng: "Việc giao cho các trường ĐH chấm thi THPT Quốc gia năm nay hy vọng sẽ hạn chế được tiêu cực vì các trường ĐH cần thí sinh chất lượng phục vụ cho công tác tuyển sinh nên sẽ cần kết quả minh bạch".
Tuy nhiên, ông Vinh cũng chỉ ra e ngại ở việc cán bộ coi thi khi chấm thi ngay tại địa phương thì dễ bị chi phối bởi những người của địa phương.
"Cán bộ chấm thi không thể tách ra khỏi Sở GDĐT địa phương do địa phương có thể phải chuẩn bị hậu cần ăn uống cho cán bộ chấm thi. Vì thế cần có giải pháp giúp cán bộ chấm thi làm việc và sinh hoạt ăn nghỉ độc lập thì sẽ tốt hơn, tránh phát sinh tiêu cực, gian lận" - ông Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Lao động