MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trỗi dậy - Bài 1: Hàng chục tỷ đô la đang nằm ở đồ bỏ đi

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Khải An

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Khải An

Đất đai bằng phẳng, nặng phù sa, khí hậu ôn hòa, ít mưa bão, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, phụ phẩm nông sản cũng là những “báu vật” trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm của vùng đất này.

Phụ phẩm hơn chính phẩm

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Lê Thanh Thuấn đã bắt tay với Viện dinh dưỡng quốc gia nghiên cứu tinh luyện mỡ cá tra thành dầu ăn và nguyên liệu đầu vào cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm. Vào thời điểm đó phụ phẩm cá tra “rẻ như bèo”, chủ yếu là làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, việc tinh chế phụ phẩm này thành mặt hàng cao cấp là ý tưởng táo bạo chưa ai dám nghĩ đến.

Để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trỗi dậy - Bài 1: Hàng chục tỷ đô la đang nằm ở đồ bỏ đi - Ảnh 1.

Sản xuất dầu ăn cao cấp Ranne. Ảnh: NQ

Theo ông Thuấn, nhiều sản phẩm dựợc phẩm, mỹ phẩm nổi tiếng của nhiều quốc gia được chiết xuất từ dầu cá với các thành phần acid béo Omega 3 EPA, DHA chủ yếu được khai thác từ một số loài cá biển sống ở vùng nước lạnh giá cả rất đắt đỏ. Trong khi đó mỡ cá tra được nuôi trên dòng Mê Kông của Việt Nam cũng rất giàu các dưỡng chất này, như kho báu chưa được khai quật, điều quan trọng là dùng công nghệ gì để chiết suất, tinh luyện nó trở thành sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Xuất phát từ ý tưởng đó, cuối năm 2014, Tập đoàn Sao Mai đã đưa nhà máy tinh luyện mỡ cá tra thành dầu ăn cao cấp Ranee, công suất 100 tấn/ngày tại Cụm Công nghiệp Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp) đi vào sản xuất. Sau khi được đầu tư nâng cấp, nhà máy này có công suất tinh luyện lên đến 400 tấn/ngày với sản phẩm đa dạng, gồm dầu lỏng (Olein), đặc tính tương tự như dầu nành, dầu oliu phục vụ cho bữa ăn gia đình.

“Cả vùng có khoảng 1,4 triệu tấn cá tra/năm, trong đó phụ phẩm từ chế biến cá tra chiếm tới hơn 60-70% sinh khối cá. Riêng sản lượng mỡ cá tra không dưới 140.000 tấn/năm, nếu được chế biến thành sản phẩm giá trị gia tăng thì các phụ phẩm có thể cho giá trị cao hơn chính phẩm là thịt cá fillet”, ông Thuấn nhận định.

Không chỉ đầu tư nhà máy tinh luyện mỡ cá mà Tập đoàn Sao Mai còn đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, phát triển vùng nguyên liệu sắn làm thức ăn thủy sản, vùng nguyên liệu cá tra và đang hướng đến xây dựng Viện nghiên cứu giống thủy sản với định hướng phát triển theo chuỗi sản xuất khép kín cá tra xuất khẩu từ khâu con giống, nuôi trồng, chế biến cả chính phẩm và phụ phẩm theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cũng xuất phát từ ý tưởng phát triển chuỗi sản xuất khép kín, ngay từ năm 2015, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - “Nữ hòang” ngành cá tra cũng đã bắt tay với dự án đa dạng hóa các dòng sản phẩm mới dựa trên hệ thống sản xuất công nghệ cao và nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất cá tra fillet với sản phẩm collagen da cá tra đã có tiếng trên thị trường.

Những thứ tưởng bỏ đi lại cho bạc tỷ

Con tôm cũng là thế mạnh của vùng ĐBSCL, nhưng trong những năm qua phụ phẩm của ngành hàng này cũng chưa được khai thác đúng mức. Theo ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nam Food, trong protein của phụ phẩm tôm có chứa nhiều carotenoid, chủ yếu là astaxanthin; hệ enzyme, nhất là protease có hoạt tính cao, là nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong vỏ tôm có chứa đến 27% chitin là nguyên liệu để sản xuất chitin/chitosan, nanobac, chitosan, là những sản phẩm có rất nhiều ứng dụng trong y học và nhiều lĩnh vực khác.

Để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trỗi dậy - Bài 1: Hàng chục tỷ đô la đang nằm ở đồ bỏ đi - Ảnh 2.

Phụ phẩm vỏ, đầu tôm nếu được chế biến sẽ mang về đến 3 tỷ USD. Ảnh Cafatex

Theo ông Lộc, các quốc gia có ngành công nghiệp phát triển như Ice Land, Na Uy đã xử lý được trên 80% phụ phẩm thủy sản để mang về hàng tỷ USD cho nền kinh tế từ những thứ tưởng chừng bỏ đi này. Tỷ lệ xử lý phụ phẩm càng cao, chất thải sẽ càng ít cũng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Ở Việt Nam chỉ riêng phụ phẩm tôm mỗi năm đã hơn 300.000 tấn nhưng chỉ mới xử lý được 40% với một số sản phẩm giản đơn, giá trị thấp; 60% còn lại dùng làm thức ăn gia súc dạng thô hoặc phải bỏ đi rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.

“Với chiến lược phát triển ngành tôm được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Để đạt mục tiêu trên thì sản lượng tôm phải đạt trên 1 triệu tấn, khi đó phụ phẩm tôm có thể lên hơn 500.000 tấn, tương ứng mỗi ngày có 1.500 tấn vỏ, đầu tôm phải xử lý. Nếu chúng ta có nhiều nhà máy xử lý phụ phẩm hiện đại thì mỗi năm có thể mang về cho nền kinh tế từ 1-3 tỷ USD từ nguồn phụ phẩm này”, ông Lộc phân tích.

Theo TS. Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững thuộc Hội Nghề cá Việt Nam, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 7-8 triệu tấn/năm. Trong đó, phụ phẩm chiếm khoảng 15-20% (khoảng hơn 1 triệu tấn). Đây là nguồn nguyên liệu quý để sử dụng và chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Song, nguồn nguyên liệu quý này chưa được khai thác đúng mức. Hiện, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản Việt Nam mới đạt chưa đến 300 triệu USD, nếu khai thác đúng mức nguồn nguyên liệu này có thể thu về 4 - 5 tỷ USD.

Theo TS. Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng khối lượng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi khoảng 156 triệu tấn/năm, trong đó vùng ĐBSCL có gần 40 triệu tấn, chiếm 26% tổng khối lượng của cả nước. Lĩnh vực có nguồn phụ phẩm lớn nhất là trồng trọt, gần 89 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL có hơn 33 triệu tấn. Phụ phẩm trong chăn nuôi gia súc và gia cầm có khoảng 61 triệu tấn, trong đó ĐBSCL có khoảng 6 triệu tấn; còn lại là phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp khoảng 5,5 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy xem phụ phẩm trong nông nghiệp là nguồn tài nguyên, chứ không phải là phế thải. Các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ làm phân bón hữu cơ mà còn là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất khác, mang đến nhiều triển vọng mở ra ngành nghề mới, tăng thu nhập và giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn.

(Còn tiếp)


Theo An Hòa

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên