Để ngành cảng biển - logistics Hải Phòng vươn mình hội nhập
Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ logistics mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng nói riêng và doanh nghiệp logistics của Việt Nam nói chung, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.
- 18-10-2024Giai đoạn đầu, đường sắt tốc độ cao chở khách tốc độ 320km/h, chở hàng 120km/h
- 18-10-2024Khởi công xây cầu Phong Châu trong tháng 12/2024
- 18-10-2024Tập đoàn Vingroup đề xuất xây cầu 22.000 tỷ đồng bắc qua sông Hồng - Hà Nội, cam kết những điều gì?
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới được các doanh nghiệp xác định là “chìa khoá” để ngành cảng biển - logistics vươn mình, hội nhập toàn diện ra sân chơi toàn cầu, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh với các cảng biển trong khu vực.
Với vị trí trọng yếu là đầu mối giao thông, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, thành phố Hải Phòng hiện tập trung nhiều doanh nghiệp cảng biển, vận tải, xuất nhập khẩu, nhiều trung tâm logistics lớn như: trung tâm logistics của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An… Trong sự phát triển, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, việc ứng dụng các nền tảng số, thông minh được các doanh nghiệp, đơn vị xác định không còn là xu thế mà đã trở thành yêu cầu tất yếu.
Bà Trần Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, với mục tiêu chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN phát triển bền vững, đơn vị rất quan tâm chuyển đổi số, sử dụng các phần mềm quản lý dữ liệu, phần mềm VR360 trong tiếp cận khách hàng, các hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện cũng được số hoá... Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị là không có hệ thống theo chuỗi.
Theo bà Loan: "Tại KCN Nam Đình Vũ và một dự án thành phần của KCN là Cảng Nam Đình Vũ thì chúng tôi đã xây dựng hệ thống phần mềm cảng thông minh smart-port và với toàn bộ hệ thống online như Tờ khai trực tuyến, I-gate hay thông quan trực tuyến. Tuy nhiên, đấy chỉ gói gọn trong KCN Nam Đình Vũ và Cảng Nam Đình Vũ thôi. Những hệ thống logistics kết nối với bên ngoài, ví dụ trong KCN Nam Đình Vũ cũng có phân khu về logistics và ngoài cảng Nam Đình Vũ cũng có rất nhiều hệ thống liên quan các kho, bãi, cảng…, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong khu vẫn còn hạn chế và điều này không thuận tiện cho khách hàng".
Thiếu tính hệ thống, khó khăn trong chuỗi kết nối cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng. Các doanh nghiệp sử dụng các hệ thống và công nghệ khác nhau. Bên cạnh đó, trong môi trường cạnh tranh, một số doanh nghiệp logistics lại có xu hướng giữ thông tin và dữ liệu cho riêng mình.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Hàng Hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, từ đó, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi thông tin, quản lý dữ liệu và tối ưu hoá quy trình.
"Doanh nghiệp logisitcs Hải Phòng vẫn đang gặp khá nhiều lúng túng, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Về chuyển đổi số có rất nhiều cách làm khác nhau. Hiện nay, một số doanh nghiệp chưa thực hiện, một số doanh nghiệp sử dụng phần mềm này, có doanh nghiệp dùng phần mềm khác. Do vậy, rất cần có bàn tay của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước để làm sao giúp cho doanh nghiệp đầu tiên là hiểu, thực hiện theo một cách tập trung để tránh sự lãng phí" - Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức cho biết.
Trước thực tế này, từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương Hải Phòng đã đề xuất UBND TP Hải Phòng xây dựng 3 đề án liên quan đến chuyển đổi số cho ngành logistics, gồm Đề án tạo lập cơ sở dữ liệu ngành logictics của Hải Phòng; xây dựng Sàn giao dịch trực tuyến logictics và xây dựng Đề án chuyển đổi số liên ngành logictics. Những đề án này nhằm kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, không chỉ Hải Phòng mà còn trên cả nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, những đề án chuyển đổi số ngành logistics đã được phê duyệt trong Kế hoạch chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng và đang từng bước được xây dựng, thực hiện. Dù vậy, cần có một hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu để quản lý nhà nước trong logictics trên phạm vi toàn quốc.
"Chúng tôi đề xuất Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cho phép chia sẻ dữ liệu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách. Cùng với đó cũng đòi hỏi sự đồng hành của doanh nghiệp. Khi tham gia vào sàn giao dịch trực tuyến hay vào cơ sở dữ liệu chung thì chúng ta mới chia sẻ được với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp khách hàng" - ông Thành nêu rõ.
Theo Khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương, hơn 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát hiện đang ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, chỉ 0,4% doanh nghiệp đạt cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành logistics nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics nói riêng cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng, chìa khoá để phát triển logistics thông minh, hiện đại.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, phát triển logistics hiện đại là yêu cầu tất yếu để nâng vị thế và tính cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường logistics thế giới.
Ông Quang cũng cho biết thêm: "Bây giờ, thế giới yêu cầu logistics theo kiểu hiện đại, tức là logistics kết hợp với chuyển đổi số, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, với đổi mới sáng tạo, chứ không phải kiểu cái cảng cũ cũ của mình mãi đâu. Ngay các cảng bây giờ cũng phải điều chỉnh lại theo một xu thế đó, nếu không thì chi phí của chúng ta rất cao, khách hàng sẽ chọn chỗ khác. Việc này cũng đòi hỏi phải có sự thuận tiện hơn trong các loại hình giao thông; đòi hỏi chúng ta phải cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho logistics hiện đại".
Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế. Thành phố đang nỗ lực đi đầu trong việc chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động logistics, coi đó là động lực để thúc đẩy tăng trưởng ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
VOV