Đề nghị nghiêm cấm tự ý ‘lập chốt thu phí’ đường bộ
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật, bởi thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí.
- 08-02-2024Thu phí đường bộ không dừng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa
- 31-01-2024Từ ngày mai, mức phí đường bộ mới bắt đầu áp dụng, người dân cần biết
- 21-01-2024Chi tiết mức thu phí đường bộ mới áp dụng từ ngày 1/2/2024
Địa phương được đầu tư, xây dựng quốc lộ và đường cao tốc.
Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề cập đến ý kiến đề nghị phân cấp, cho phép một số địa phương có khả năng bố trí nguồn lực được đầu tư, xây dựng quốc lộ và đường cao tốc.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị quy định theo hướng, trong trường hợp địa phương có khả năng bảo đảm nguồn lực đầu tư, UBND cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND quản lý tuyến đường đó theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.
“UBTVQH thấy rằng, các quy định này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không mâu thuẫn, chồng chéo và bảo đảm tính khả thi”, ông Tới nêu.
Về nguồn tài chính đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo đó, các nguồn thu quy định tại khoản này sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước để phân bổ theo quy định.
Về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc, UBTVQH đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Chính phủ trình, nhằm tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn.
“Việc thu phí đường cao tốc nhằm bảo đảm tính công bằng khi phương tiện tham gia giao thông được sử dụng dịch vụ tốt hơn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ áp dụng với các tuyến cao tốc có tuyến đường bộ song hành”, ông Tới cho hay.
Người dân tự ý lập chốt thu phí
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, các tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức giao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
“Riêng đối với công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ được đầu tư thông qua huy động các nguồn lực xã hội khác cũng phải được theo dõi, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”, ông nói.
Như vậy, đại biểu nhận thấy, việc xác lập cơ sở dữ liệu đường bộ hết sức rõ ràng, cụ thể và phân định trách nhiệm theo dõi, quản lý tổng thể, cụ thể và đầy đủ cả về hiện vật, giá trị, cả về đối tượng và nguồn lực sử dụng, cả về hiện trạng và quá trình quản lý, sử dụng. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm. Đại biểu đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật, bởi thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí.
Mặt khác, Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí đã dừng hoạt động. “Thực tế ánh sáng tại các khu vực có trạm thu phí đã dừng hoạt động rất mờ, tạo sự bất tiện trong lưu thông, làm cản trở giao thông cho những người qua lại tại khu vực này”, đại biểu nêu.
Theo bà Phúc, mặc dù cử tri đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần nhưng thực trạng vẫn vậy. Đáng chú ý là đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở những khu vực này do chưa có quy định chế tài về trách nhiệm. Mọi thiệt hại nếu xảy ra đều thuộc về người dân và người tham gia giao thông.
Đ ại biểu dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với các trạm thu phí đã dừng hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.
Tiền phong