Để Việt Nam trở thành nước phát triển năm 2045
Lời hịch của Bản Tuyên ngôn độc lập đã, đang và sẽ kích thích lòng tự hào dân tộc trong quá trình giữ gìn và phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam có đủ nghị lực và trí tuệ để sớm biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực.
- 06-09-2023Chủ tịch Phan Văn Mãi: “Mong muốn Cần Giờ đi sớm về đích trước”
- 06-09-202379/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán với EVN
- 06-09-2023Thái Nguyên: Khẩn trương hiện thực hóa quy hoạch sân golf
Lời hịch của Bản Tuyên ngôn độc lập đã, đang và sẽ kích thích lòng tự hào dân tộc trong quá trình giữ gìn và phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam có đủ nghị lực và trí tuệ để sớm biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực.
Lời hịch của Bản Tuyên ngôn độc lập đã, đang và sẽ kích thích lòng tự hào dân tộc trong quá trình giữ gìn và phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam có đủ nghị lực và trí tuệ để sớm biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2030 đã xác định: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Nhìn lại quá khứ
Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với GDP năm 1990 mới đạt 14 tỷ USD, năm 2010 đạt 116 tỷ USD, đến năm 2022 tổng GDP của nước ta đã đạt 409 tỷ USD. GDP/người năm 1990 mới đạt 250 USD, năm 2010 đạt 1.331 USD, đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ, đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới, có 16 đối tác chiến lược, trong đó có 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định quốc tế song phương và đa phương.
Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63 - xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.
Trong danh sách 200 công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh có 5 tỷ phú USD của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng vươn ra thị trường quốc tế.
Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông - Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2010 đến năm 2020, Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69, tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn.
Năm 2020, tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.
Theo kết quả đánh giá chỉ số quyền lực châu Á (Asia Power Index) năm 2020 của Viện Lowy công bố ngày 19/10/2020, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc, từ 13 lên 12 trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp trên cả New Zealand. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự tăng thứ hạng mạnh nhất với 1,3 điểm, trong đó chỉ số ảnh hưởng ngoại giao tăng 3 bậc do xử lý tốt đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó các chỉ số về cạnh tranh kinh tế và mạng lưới quốc phòng của Việt Nam đều gia tăng.
Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, năm 2020 giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019 - mức tăng nhanh nhất thế giới, tăng 9 bậc và đạt thứ hạng 33 trên thế giới.
Chuyển đổi số cũng được tăng cường trong các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đến nay, EVN đã cung cấp 100% các dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng DVCQG. Theo báo cáo về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 45/172 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh viễn thông quốc tế ITU đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Việt Nam cũng được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Năm 2020, ghi nhận cột mốc mới trong hội nhập quốc tế, Việt Nam đảm nhận thành công Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN.
Tuy vậy, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông; nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đan xen bởi tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, căng thẳng địa chính trị, sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính, dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế, xã hội, môi trường và hiệu ứng nhà kính, già hóa dân số với tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu, nhưng cũng kèm theo thách thức bị bỏ lại phía sau, hoặc lệ thuộc hơn vào nước giàu.
Hướng tới tương lai
Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì quốc gia phát triển cần đạt được các tiêu chí về kinh tế như thu nhập bình quân đầu người, tổng sản phẩm nội địa, mức độ công nghiệp hóa, bình quân tiêu chuẩn sinh hoạt và số lượng cơ sở hạ tầng công nghệ và phi kinh tế như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số đánh giá trình độ học vấn, khả năng đọc viết và sức khỏe của dân cư.
Năm 2020, WB đề ra tiêu chí nước phát triển là nước GDP/người hàng năm từ 12.696 USD trở lên.
Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021- 2030 để ra các mục tiêu chủ yếu:
(1) Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP/người năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD;
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP;
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%;
- Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP;
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%;
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm;
- Giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1 - 1,5%/năm.
(2) Về xã hội
- Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,74;
- Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%;
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%;
(3) Về môi trường
- Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%;
- Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%;
- Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính;
- 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường;
- Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Dự báo của nhiều tổ chức quốc tế nhận định: nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên vừa qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 2045), GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 2.500 tỷ USD, GDP/người đạt khoảng 18.000 USD.
Những mục tiêu đầy tham vọng trên đây đối mặt với thách thức của nửa đầu kế hoạch 5 năm 2021- 2025 khi tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lai, năm 2021 GDP tăng 2,58%, thấp hơn so với mức tăng 2,91% năm 2020 (mục tiêu đặt ra là 6,5%); GDP quý III/2022 tăng 13,2% nhưng quý IV/2022 tăng 5,92% và cả năm tăng 8,02%;
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu 2023 không mấy sáng sủa: (1) GDP tăng 3,71% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm qua trước đại dịch COVID-19; công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 1,13%;
(2) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 164,45 tỉ USD, giảm 12,1% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 152,2 tỉ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước;
(3) Tổng vốn FDI đăng ký tính đến ngày 20/6/2023 đạt 13,4 tỉ USD, giảm 4,3%; vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỉ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; chất lượng và hiệu quả của thu hút FDI chậm được cải thiện theo định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị;
(4) Có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%, có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 31.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Hàng vạn doanh nghiệp, nhất là SMEs gặp khó khăn chưa từng có kể từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, thiếu vốn để trả lương công nhân, mua nguyên vật liệu cho sản xuất dẫn đến tình trạng phá sản.
Tình trạng giảm sút tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế do tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu; lạm phát tăng tại Mỹ, Châu Âu và nhiều nước; cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng sản phẩm; cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc; sự trả đũa leo thang giữa Mỹ, EU với Nga; việc các nước phát triển áp dụng chính sách hạn chế FDI, khuyến khích doanh nghiệp của họ chuyển nhà máy về nước, sang các nước láng giềng đã làm giảm vốn FDI toàn cầu.
Tuy vậy, cũng cần nhận thức đầy đủ khiếm khuyết của việc điều hành kinh tế vĩ mô như: thắt chặt tín dụng trong một thời gian dài, chính sách đối với trái phiếu doanh nghiệp còn bất cập, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhất là SMEs kém hiệu quả, hệ thống luật pháp, chính sách thiếu nhát quán, không minh bạch, ổn định; thực thi luật pháp chưa nghiêm, một bộ phận cơ quan nhà nước, công chức chưa thay đổi tư duy và hành động đáp ứng đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ số; thủ tục hành chính vẫn còn khá phức tạp.
Nếu cuộc cải cách nền hành chính quốc gia không được đẩy nhanh, không thu được kết quả thiết thực thì khó đem lại lòng tin cho người dân và doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển 2021- 2030.
Để biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực
Tư duy phát triển có thể được hiểu là tư duy dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn, nhận thức đúng bản chất và thực trạng tình hình, nhìn ra được xu thế và cơ chế khách quan của sự vận động, trên cơ sở đó xác định được định hướng chiến lược phát triển phù hợp, các nhân tố và thể chế thúc đẩy phát triển.
Thực tiễn phát triển của thế giới cho thấy, đội ngũ lãnh đạo của quốc gia không phải lúc nào cũng có tư duy phù hợp, tiên tiến, đáp ứng với đòi hỏi của sự phát triển; có thể rơi vào trạng thái bảo thủ, trì trệ hoặc tư biện, giáo điều; nguyên nhân chính do không xuất phát từ thực tiễn, năng lực hạn chế, đặt lợi ích nhóm trên lợi ích phát triển của đất nước.
Trên cơ sở tư duy phát triển cần tập trung vào các vấn đề chủ yếu:
(1) Phát huy nhân tố con người
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử cận đại của dân tộc ta đã chứng kiến khí phách dân tộc, sự hy sinh và cống hiến của nhiều thế hệ người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong hòa bình; đã được nhiều nước, các tổ chức quốc tế đánh giá là một dân tộc bất khuất, dám đương đầu với một số cường quốc trong chiến tranh, đã đạt được thành quả to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế do có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, có truyền thống "uống nước nhớ nguồn", thương yêu, đùm bọc lẫn nhau khi khó khăn, hiện nay đang năng động sáng tạo để xây dựng quốc gia thịnh vượng, công bằng, văn minh.
Phát huy truyền thống tốt đẹp, lấy con người làm chủ thể là nhân tố quyết định để biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc sớm trở thành hiện thực như Chiến lược phát triển 2021- 2030 chỉ ra: "Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân".
(2) Thay đổi mô hình tăng trưởng
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đẩy nhanh quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng của các quốc gia, làm biến đổi cơ cấu giữa các ngành kinh tế do quá trình tự động hoá theo hướng công nghệ số và kinh tế tuần hoàn. Quá trình công nghiệp hóa ở nước ta vừa phải tiếp tục xây dựng với công nghệ hiện đại một số ngành công nghiệp truyền thống như cơ khí, luyện kim, dầu khí, hóa chất cơ bản, vừa phải tập trung đầu tư để nhanh chóng hình thành một số ngành công nghệ mới như công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), Internet vạn vật (IoT), Blockchain (được mệnh danh là sổ cái điện tử), ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch, dịch vụ số.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP thì cần: Tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho R&D, Đổi mới & Sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp thành lập Trung tâm R&D và chuyển giao công nghệ bằng chính sách đãi thuế, hỗ trợ tài chính; Thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin (CNTT), các ngành nghề tạo ra nhiều giá trị gia tăng; Đầu tư đào tạo công dân thế hệ số, cải cách giáo dục và đào tạo để lớp công dân mới có tri thức và kỹ năng thích ứng với mô hình tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; Có chính sách thu hút chuyên gia người Việt Nam và người nước ngoài có kiến thức và kỹ năng trong các ngành nghề ưu tiên phát triển.
(3) Hoàn thiện thể chế
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), thể chế có thể được hiểu là cái tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ.
Mặc dù Nhà nước đã dành nhiều thời gian và công sức để xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng tiếp cận với các quy chuẩn thế giới, nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ và mang tính hệ thống, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật; tính minh bạch, ổn định, dễ dự báo còn thấp. Việc công bố, đăng tải, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật chưa được các cơ quan nhà nước chấp hành kịp thời và nghiêm chỉnh; quy trình xây dựng pháp luật dễ dẫn đến tình trạng bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương; chưa thật sự vì lợi ích chung và vì sự thuận lợi của người dân và doanh nghiệp.
Để khắc phục những khiếm khuyết trên đây, Chiến lược phát triển 2021- 2030 đề ra định hướng "Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới".
(4) Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
Từ năm 2011 đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại, tuy vậy chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số. Do đó, Đại hội XIII của Đảng xác định ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số: "Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".
Để thực hiện chủ trương của Đảng cần: Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới điện, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu; Rà soát, tháo gỡ các rào cản trong thể chế, pháp luật, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, ổn định, bình đẳng trong hệ thống pháp luật về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; Huy động các nguồn vốn đầu tư từ trong nước và quốc tế để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại cho phát triển kinh tế số; Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; có chính sách ưu đãi các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch.
(5) Đổi mới Quản lý nhà nước
Quản lý nhà nước theo hướng hiện đại là đột phá quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.
Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ, công bằng và tiến bộ, đề cao vị trí tối thượng của pháp luật, quyền con người, quyền công dân; được tổ chức và hoạt động trên cơ sở chủ quyền nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nước ta đã thu được thành tựu được ghi nhận về tinh giản bộ máy công quyền, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức của đội ngũ công chức, viên chức, nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần phải khắc phục như năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch, chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Để tận dụng được cơ hội và vượt qua các thách thức đối với quá trình phát triển cần phải đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.
* * *
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Lời hịch của Bản Tuyên ngôn độc lập đã, đang và sẽ kích thích lòng tự hào dân tộc trong quá trình giữ gìn và phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam có đủ nghị lực và trí tuệ để sớm biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực.
Nhà đầu tư