Đề xuất áp dụng thủ tục đặc biệt với dự án công nghệ cao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, cấp phép trong vòng chỉ 15 ngày.
- 14-09-2024Sắp 'trình làng' 3 dự án hơn 3 tỷ USD ở Bắc Ninh
- 14-09-2024Khánh Hòa chi hơn 1.867 tỷ đồng xây dựng trụ sở các cơ quan
- 14-09-2024Đồng tâm hiệp lực, một liên minh muốn đưa 35 tỷ USD về Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung 4 luật liên quan tới đầu tư, gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tại Luật Đầu tư , vấn đề mới được nêu trong dự thảo là đề xuất dành cho các dự án đầu tư ngành công nghệ cao thủ tục đầu tư đặc biệt với thủ tục ngắn, cấp phép trong vòng 15 ngày.
Các dự án được đề xuất áp dụng thủ tục đặc biệt bao gồm dự án công nghệ cao (trung tâm nghiên cứu và phát triển; vi mạch bán dẫn, chip, pin công nghệ mới), đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.
Theo cơ quan soạn thảo, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực đã được áp dụng trong các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương. Tuy nhiên, các dự án nói trên vẫn thực hiện theo các thủ tục đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Trên thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai , xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ này là đầu vào của thủ tục khác. Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ khoảng 250 - 350 ngày. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Bộ KH&ĐT cũng đề xuất, dự án đầu tư đăng ký theo thủ tục đặc biệt thì không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng , bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT còn đề xuất 2 chính sách mới liên quan đến đầu tư, trong đó đẩy mạnh phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh; bổ sung quy định về thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư và sửa đổi quy định về chấm dứt hoạt động của dự án.
Việc phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho UBND cấp tỉnh được đề xuất với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, góp ý về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, những thay đổi này là bước đột phá, cải cách rất lớn về thủ tục thực hiện dự án đầu tư và sẽ rút ngắn rất nhiều về thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, quy định này liên quan tới nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy...
Việc dự thảo quy định miễn thực hiện các thủ tục liên quan, nhưng không đồng thời sửa đổi các quy định tại các văn bản pháp luật về xây dựng, chuyển giao công nghệ , bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy… có thể dẫn tới tình trạng lúng túng và thiếu thống nhất khi áp dụng.
Tiền Phong