Đề xuất bắt buộc thu thập thông tin mống mắt vào dữ liệu căn cước
Bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin thẻ căn cước để làm cơ sở xác thực thông tin của mỗi cá nhân.
- 17-11-2023Cách nhận diện và phòng tránh thủ đoạn lừa đảo trực tuyến Deepfake
- 17-11-2023Canh bạc thay thế Android của Huawei thành công ngoài mong đợi, các ông lớn công nghệ Trung Quốc ồ ạt tuyển coder để viết ứng dụng cho HarmonyOS
- 17-11-2023Kỹ nghệ giấu sếp “Làm nhiều việc cùng lúc” với sự trợ giúp của ChatGPT và AI, có thể kiếm đến 48 tỷ đồng/năm, sẵn sàng bỏ việc nếu bị bắt nạt
Ngày 15/11 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cách thức thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt (là một cấu trúc mỏng, hình tròn nằm trong mắt) tương tự như ADN và giọng nói để phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.
Hiện nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website. Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.
Ảnh minh hoạ.
Thường trực UBQPAN cho rằng, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.
Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Trước đó, nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đại biểu đoàn TP.HCM) cho rằng quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.
Mống mắt của con người được hình thành từ 10 tháng tuổi và không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Công nghệ nhận diện mống mắt là phương pháp áp dụng thuật toán hình ảnh để nhận dạng một người nào đó dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt, thậm chí ngay cả khi họ đang đeo kính hoặc sử dụng áp tròng từ một khoảng cách nhất định.
Đời sống và Pháp luật