Đề xuất bỏ việc ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, nguồn thu từ đất đã chiếm khoảng trên dưới 10% ngân sách các địa phương, đây là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị về dự định tăng khung giá đất lên 2,4 lần Ban hành khung giá đất vẫn còn xa với giá thị trường Thời gian tới sẽ bỏ khung giá đất
Nhưng lâu nay, nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực này đã bị thất thu trong một loạt các hoạt động như chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất.
Nhất là trong chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở; trong việc chỉ định nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất, nhất là các dự án hợp tác công - tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; trong việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có nhiều quỹ đất giá trị cao...
Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, đối với một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, nơi có tốc độ và tỷ trọng đô thị hóa rất cao và đang thực hiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thì nguồn thu từ đất sẽ là một nguồn thu ngân sách rất lớn phục vụ đầu tư phát triển.
Tuy vậy, các quy định và cơ chế xác định giá đất, thẩm định giá đất chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".
Thực tế hiện nay, giá đất trong bảng giá đất ở các địa phương được quy định thấp hơn so với giá đất phổ biến trên thị trường, chỉ ở mức khoảng 30-50% giá đất thị trường. Kết quả công tác thẩm định "giá đất cụ thể" cũng chưa thể đảm bảo được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường.
Theo Hiệp hội BĐS Thành phố, bảng giá đất ở các tỉnh, thành thấp nguyên nhân chủ yếu là do khung giá đất thấp và do quy định "UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất do Chính phủ quy định".
Chẳng hạn giá đất tối đa tại TP Hồ Chí Minh được quy định là 162 triệu đồng/m². Từ căn cứ này, bảng giá đất của thành phố xác định 3 tuyến đường gồm Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ áp dụng mức giá cao nhất.
Mức giá trên đem nhân với tối đa 30% theo quy định về khung giá đất, cũng chỉ ở mức 210,6 triệu đồng/m². Giá này là quá thấp so với giá thực tế hơn 1 tỷ đồng/m².
Để tiền đất tiến gần đến giá thị trường, ngày 15-3-2018 UBND Thành phố ban hành quy định về hệ số đất. Nhưng ngay cả khi áp dụng hệ số điều chỉnh ở mức 2,1 lần, thì giá đất tại 3 tuyến trên cũng mới chỉ ở mức 442,26 triệu đồng/m², chưa bằng một nửa so với giá giao dịch thực tế trên thị trường.
Do đó, xuất phát từ mục tiêu định giá đất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi và quyền lợi chính đáng của chủ đầu tư dự án có sử dụng đất... Hiệp hội BĐS kiến nghị bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần" trong Luật Đất đai.
Cùng lúc sửa đổi quy định trong Luật Đất đai theo hướng giao thẩm quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất và giá đất cụ thể đảm bảo giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.
Công an Nhân dân