MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất chỗ ở 15m2/người để được đăng ký thường trú Hà Nội: Có hợp lý với người lao động nhập cư?

29-03-2023 - 07:14 AM | Xã hội

VTV.vn - Tại sao lại cần có quy định diện tích tối thiểu trong khi dù có được đăng ký thường trú hay không thì nếu cần, người dân vẫn ở lại Hà Nội hoặc bất cứ thành phố lớn nào?

Người lao động đã đi thuê nhà giờ lại phải thuê rộng

Hơn 3 tháng sau khi xin lùi thời gian thông qua dự thảo lần 1, Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến lần 2 vào dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Chỉ tiêu đưa ra tối thiểu 15m2/người khu vực nội thành, 8m2/người khu vực ngoại thành thì mới được xem xét đăng ký thường trú. Chính sách này lập tức gây nhiều ý kiến trái chiều. Rằng thì nhà đã đi thuê, giờ lại còn yêu cầu phải thuê rộng. Rồi thì đã bỏ sổ hộ khẩu giờ vẫn đặt ra yêu cầu chặt chẽ về thường trú. Và nhất là liệu chính sách nhằm hạn chế nhập hộ khẩu này có thực sự giảm được áp lực nhập cư về Hà Nội hay không?

Đề xuất chỗ ở 15m2/người để được đăng ký thường trú Hà Nội: Có hợp lý với người lao động nhập cư? - Ảnh 1.

Theo thống kê của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi năm, dân số Hà Nội tăng hơn 200 nghìn người, trong đó một phần ba là dân nhập cư. Mật độ dân số trung bình khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với cả nước, tính đến hết năm ngoái.

Chọn một chính sách giúp hạn chế số lượng người nhập cư để bảo đảm chất lượng sống cho những cư dân hiệu hữu là cần thiết. Song việc đặt ra "rào cản kỹ thuật" như đề xuất liệu đã thực sự hợp lý cho số đông người lao động nhập cư - những người cũng đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của thành phố?

Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định, những trường hợp thuê, mượn, ở nhờ được đăng ký thường trú khi đáp ứng các điều kiện: Chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; bảo đảm diện tích về nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Trước Hà Nội, một số địa phương đã cụ thể hóa Luật Cư trú như: Đà Nẵng quy định diện tích tối thiểu là 20m2 sàn/người đối với các phường thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê; các phường, xã thuộc các quận, huyện còn lại, diện tích tối thiểu là 15m2 sàn/người. Bình Dương quy định diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp, do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn là 8m2 sàn/người.

Thế giới quản lý cư trú ra sao?

Thông tư số 09/2021 của Bộ Xây dựng không quy định về tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với phòng ở, nhất là phòng trọ cho thuê, mà chỉ quy định mang tính chất chung. Trong khi hiện nay những khu nhà trọ hoặc chung cư mini cho thuê được xây dựng tự phát. Trên giấy tờ sổ đỏ của chủ hộ thì gần như chỉ có thông tin về diện tích thửa đất và tổng thể. Việc xác định diện tích chính xác từng phòng trên giấy tờ để làm căn cứ cấp thường trú với những nhà cho thuê tự phát là rất khó.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới có những cách thức quản lý về cư trú của công dân khác nhau, đặc biệt khi đã thực hiện số hóa dữ liệu dân cư.

Hàn Quốc hiện đang áp dụng phương thức quản lý cư trú theo mã số định danh cá nhân. Từ thời điểm khai sinh, mã gồm 13 chữ số được cấp cho tất cả cư dân của Hàn Quốc, kể cả người nước ngoài sinh sống tại đây. Đến khi tròn 17 tuổi, trong vòng 1 tháng họ phải đến trụ sở chính quyền địa phương để đăng ký như dấu vân tay, họ tên chính thức, địa chỉ cư trú, chụp ảnh…

Trung Quốc là một trong số ít nước trên thế giới quản lý cư trú thông qua sổ hộ khẩu, tức là thực hiện quản lý theo hộ gia đình. Một người di chuyển đến địa phương khác phải tiến hành đăng ký tạm trú hoặc chuyển khẩu nếu đủ điều kiện. Từ năm 2015, Hệ thống Cấp phép Cư trú được nới lỏng về đăng ký cư trú với mục đích thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của việc đô thị hóa tại Trung Quốc.

Đề xuất chỗ ở 15m2/người để được đăng ký thường trú Hà Nội: Có hợp lý với người lao động nhập cư? - Ảnh 2.

Công dân Nhật Bản phải đăng ký với địa phương và chính quyền sẽ cấp cho công dân đó Giấy chứng nhận đăng ký lưu trú

Tại Nhật Bản, bất cứ nơi nào công dân chọn sinh sống, đương nhiên trở thành nơi cư trú, hưởng mọi phúc lợi và có nghĩa vụ theo quy định của địa phương. Công dân phải đăng ký với địa phương và chính quyền sẽ cấp cho công dân đó Giấy chứng nhận đăng ký lưu trú, áp dụng cả với người nước ngoài sinh sống tại đây. Khi thay đổi nơi cư trú, họ phải báo cắt khẩu tại nơi cũ và đăng ký thường trú mới với chính quyền địa phương trong vòng 14 ngày. Từ năm 2016, Nhật Bản áp dụng hệ thống định danh cá nhân "My number", nhằm thống nhất các thông tin về cư trú, thuế, bảo hiểm, thu nhập, phúc lợi xã hội. Trên thực tế, Nhật Bản có tồn tại sổ hộ tịch nhưng hiện rất ít khi được sử dụng.

Tại Mỹ không có hệ thống đăng ký cư trú chính thức cho người dân. Chính quyền liên bang, cũng như chính quyền mỗi bang đều không có quy định cụ thể việc quản lý cư trú của người dân bằng giấy tờ hay số định danh nào; thay vào đó, ở Mỹ có nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý danh tính cá nhân làm cơ sở để quản lý cư trú, điển hình là hệ thống cơ sở dữ liệu cấp phép lái xe và hệ thống số an sinh xã hội.

Đề xuất chỗ ở 15m2/người để được đăng ký thường trú Hà Nội: Có hợp lý với người lao động nhập cư? - Ảnh 3.

Tại Mỹ không có hệ thống đăng ký cư trú chính thức cho người dân

Nhiều quốc gia không chỉ sử dụng một phương thức quản lý cư trú mà đồng thời kết hợp nhiều phương thức. Nhìn chung có thể phân ra thành 3 phương thức quản lý cư trú chính là: Quản lý thông qua sổ hộ khẩu, quản lý qua các phiếu đăng ký tại địa phương và thông qua mã số định danh cá nhân.

Trước đây, việc có hộ khẩu Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là "mơ ước" của nhiều người dân ngoại tỉnh với mong muốn lập nghiệp và ổn định cuộc sống ở những thành phố lớn.

Người dân có quyền đến những nơi có nhu cầu lao động phù hợp với trình độ, kinh nghiệm của họ. Ở chiều ngược lại, việc "hút" các lao động có trình độ cao cũng sẽ mang về các nguồn lực chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của các thành phố lớn. Việc "siết" điều kiện thường trú vốn chỉ giảm được nhập hộ khẩu, chứ không giảm được nhập cư.

Điều quan trọng là giải pháp đồng bộ để đảm bảo người dân có thu nhập ổn định ngay tại địa phương, thay vì về thành phố lớn mưu sinh. Khi đó sẽ hạn chế được việc bất đắc dĩ phải đưa ra những "hàng rào kỹ thuật" để kiểm soát gia tăng dân số cơ học như hiện nay.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên