MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất chuyển bệnh viện thuộc bộ cho Thủ đô quản lý: Sở Y tế Hà Nội nói gì?

04-08-2023 - 20:58 PM | Xã hội

Đại diện Sở Y tế Hà Nội thông tin về đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn về Thủ đô quản lý.

Ngày 4/8, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn về thành phố quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học là cơ chế chính sách từ Trung ương, không phải quan điểm của cá nhân, tổ chức hay địa phương nào. Luật thủ đô sửa đổi là thể chế hóa, cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 19, 20 đã được ban chấp hành Trung ương thông qua.

Nghị quyết 20 còn nêu rõ: "Về cơ bản, các bộ (trừ Bộ quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện. Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành".

Đề xuất chuyển bệnh viện thuộc bộ cho Thủ đô quản lý: Sở Y tế Hà Nội nói gì? - Ảnh 1.

Đề xuất chuyển bệnh viện trực thuộc Bộ xuống cho Hà Nội quản lý là cơ chế chính sách từ Trung ương.

Đại diện Sở Y tế cũng thông tin, hôm 26/7, Bộ Y tế cũng ban hành kế hoạch Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân năm 2024, trong đó có nội dung "hoàn thiện và triển khai đề án thực hiện lộ trình chuyển một số bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý".

“Như vậy, đây là cơ chế chính sách mang tính chiến lược của hệ thống”, vị đại diện nói. Ngoài ra, theo mô hình quốc tế, tất cả các cơ sở y tế trên thế giới đều được quản lý trên địa bàn. Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn cao nhất của ngành, xây dựng cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, để chỉ đạo, điều tiết các hoạt động chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Nếu dự thảo được thông qua, khi UBND TP Hà Nội tiếp nhận sẽ phải làm việc với các bộ và ban ngành, đánh giá sâu sát về cơ sở pháp lý, thực tiễn, đưa ra lộ trình, mô hình chăm sóc để phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất. Theo đó, vị này cho rằng nếu bệnh viện trung ương được đưa về TP Hà Nội quản lý thì có thể giao sở ngành liên quan quản lý hoặc ủy ban trực tiếp quản lý.

Thực tế, một số bệnh viện của Hà Nội như Phụ sản, Tim, Ung bướu cũng đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tuyến cuối. Hiện các bệnh viện không chỉ khám chữa cho người dân thủ đô mà còn tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh thành khác.

Các bệnh viện đều đáp ứng đủ điều kiện cơ sở y tế, chuyên môn, được sự tin tưởng của người dân ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn chuyển BHYT về các tỉnh, thành, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Đại diện ngành Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh, dù đơn vị nào quản lý thì mục tiêu hướng tới là người dân thuận lợi nhất trong khám chữa bệnh, được chăm sóc bởi hệ thống y tế tốt nhất và phải có quy hoạch y tế thật sự hiệu quả để phục vụ người dân.

Những ngày qua, dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) được đưa ra bàn thảo. Trong đó, đề xuất "chuyển giao các bệnh viện trung ương trên địa bàn về cho Hà Nội quản lý" nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, dự thảo đề xuất hai phương án: Một là chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học.

Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.

Phương án hai là giữ nguyên, không có quy định nội dung này trong dự thảo.

Theo Như Loan/VTC

vtc.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên