Đề xuất đấu giá số thuê bao di động, giá khởi điểm từ 1 triệu đồng
Đối với các số thuê bao được công nhận kết quả trúng đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phân bổ trực tiếp số thuê bao đó cho người trúng đấu giá.
- 12-04-2023Giá đường bất ngờ lập kỷ lục trong vòng 12 năm, loại nông sản này của Việt Nam bắt đầu "nóng" trở lại
- 09-04-2023Một loại quả của Việt Nam được người Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng, cung không đủ cầu, xuất khẩu tăng 300% chỉ trong 2 tháng đầu năm
- 08-04-2023Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu số 1 thế giới trong năm 2022, Mỹ và Trung Quốc đều đang tăng cường nhập khẩu
Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật Tháng 4/2023, chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trình bày tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo nguyên tắc: Phân loại dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trên cơ sở tham khảo định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của WTO, tham khảo cách phân loại dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của một số nước và quản lý các dịch vụ này theo pháp luật chung về viễn thông; quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long (đứng phát biểu) trình bày tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Dự thảo Luật không khống chế tỷ lệ vốn góp với nhà đầu tư nước ngoài để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hiện nay và định hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia.
Để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cho người sử dụng, Nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin, an ninh mạng... và các quy định về bảo vệ dữ liệu theo Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và pháp luật có liên quan…
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông (trong đó có dịch vụ vệ tinh) xuyên biên giới vào Việt Nam theo nguyên tắc: Nội luật hóa cam kết quốc tế: việc cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam; Đảm bảo an toàn, an ninh khi cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới thông qua các yêu cầu kỹ thuật.
Cùng với đó, dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet trong viễn thông theo nguyên tắc: phân loại dịch vụ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và quản lý theo khung pháp luật chung về viễn thông; quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…
Đấu giá số thuê bao di động
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết Luật Viễn thông 2009 đã có quy định về việc thu hồi giấy phép viễn thông, phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet thông qua phương thức đấu giá. Tuy nhiên, thực tế các nội dung này khó triển khai do quy định mang tính định tính ví dụ khó xác định được đầy đủ các loại tài nguyên phải phân bổ qua đấu giá, khó xác định giá khởi điểm do tài sản có tính chất đặc thù.
Dự thảo Luật (sửa đổi) đã giải quyết các vấn đề này, đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet: Loại tài nguyên viễn thông cấp qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định, sau khi mang ra đấu giá mà không có ai trả giá sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự; giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên được xác định cụ thể.
"Nội dung này xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định đấu giá biển số xe của Bộ Công an", ông Long cho biết.
Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện niêm yết và tổ chức đấu giá các số thuê bao trong khối số dự kiến phân bổ cho doanh nghiệp. Giá khởi điểm của mỗi số thuê bao là 1 triệu đồng (Ảnh minh hoạ)
Như với việc đấu giá số thuê bao dịch vụ di động mặt đất, theo khoản 4 Điều 52 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được thực hiện theo căn cứ mã mạng di động mặt đất đã được cấp, doanh nghiệp có quyền đề nghị phân bổ số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất theo khối số tuần tự từ thấp đến cao, tối thiểu 100.000 số và tối đa 1.000.000 số.
Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện niêm yết và tổ chức đấu giá các số thuê bao trong khối số dự kiến phân bổ cho doanh nghiệp. Giá khởi điểm của mỗi số thuê bao là 1 triệu đồng.
Đối với các số thuê bao được công nhận kết quả trúng đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ trực tiếp số thuê bao đó cho người trúng đấu giá.
Các doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp dịch vụ viễn thông để người trúng đấu giá sử dụng số thuê bao đã được phân bổ. Đối với các số thuê bao đấu giá không thành, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp trực tiếp cho doanh nghiệp.
VTV