Đề xuất đầu tư nhiều tuyến cao tốc phía Nam
Nếu đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải được chấp thuận, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc nối TP HCM với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL, giúp giảm tải cho các quốc lộ và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
- 20-03-2022Sắp có tuyến cao tốc đầu tiên "khai tử" thu phí có dừng, xe không đủ điều kiện thu phí không dừng không được lưu thông qua trạm thu phí
- 11-03-2022Tại sao tuyến cao tốc hơn 11.000 tỉ đồng nối Đà Nẵng - Huế chưa thể thông xe?
- 02-03-2022Đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có 3 tờ trình gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 1 các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận nội dung báo cáo để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư.
Cần hơn 84.000 tỉ đồng
Ở khu vực miền Nam, ngoài tuyến cao tốc Bắc - Nam đã và đang triển khai, hiện chỉ có 3 tuyến cao tốc là TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành đưa vào khai thác. So sánh với quy mô diện tích, dân số và sự đóng góp cho nền kinh tế của cả khu vực, chiều dài chưa tới 200 km đường cao tốc không thể đáp ứng được tốc độ phát triển ngày càng cao của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo tờ trình của Bộ GTVT, điểm đầu dự án tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tại vị trí giao cắt với Quốc lộ 1 đường tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại vị trí giao cắt với Quốc lộ 56 ở TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài tuyến này khoảng 53,7 km, với 4 - 6 làn xe cao tốc. Dự án này chia thành 3 dự án thành phần, chuẩn bị đầu tư năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Dự án có hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỉ đồng.
Với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, điểm đầu dự án ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối là cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, tổng chiều dài khoảng 188,2 km. Dự án phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hạn chế theo hình thức đầu tư công. Dự án này gồm 4 dự án thành phần với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỉ đồng, chuẩn bị năm 2022, giải phóng mặt bằng và tái định cư năm 2022 - 2023, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2026.
Với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, điểm đầu dự án tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối, vị trí giao cắt tại Km12+450 đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự án có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe cao tốc, hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 21.935 tỉ đồng, dự kiến giải phóng mặt bằng trong năm 2022 - 2024, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2026.
Sau khi các dự án trên hoàn thành, cơ quan chức năng sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả số vốn ngân sách trung ương đã bố trí đầu tư.
Tháo điểm nghẽn hạ tầng
Hội đồng Thẩm định nhà nước cũng vừa có báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án đường bộ cao tốc nêu trên.
Theo đó, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhận được sự đồng thuận của 14/14 thành viên hội đồng. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhận được sự đồng ý của 13/14 thành viên hội đồng. Còn tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhận được sự đồng thuận của 13/15 thành viên hội đồng.
Hội đồng Thẩm định nhà nước kiến nghị Chính phủ xem xét thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 1 các dự án xây dựng 3 dự án đường bộ cao tốc nêu trên; đồng thời giao Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế sôi động nhất cả nước, dù dân số chỉ chiếm khoảng 18% nhưng đóng góp đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 36% tổng thu ngân sách quốc gia và khoảng 33% GDP cả nước. Khu vực này đã thực sự đóng vai trò đầu tàu, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách của cả nước.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh của vùng dẫn đến nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, tạo áp lực giao thông đối với kết cấu hạ tầng hiện hữu. Dư địa về không gian phát triển kinh tế không còn nhiều vì hạ tầng đang là điểm nghẽn, có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển và đón làn sóng đầu tư mới.
Với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nếu không sớm đầu tư, tình trạng tắc nghẽn giao thông sẽ nghiêm trọng hơn, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, mục tiêu đầu tư dự án này là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên Quốc lộ 51; hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải; tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Với khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh mạng lưới đường bộ hiện chỉ đáp ứng dưới 30% tổng khối lượng hàng hóa lưu thông nhưng quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, tốc độ hạn chế nên chưa phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của vùng. Trong khi đó, các tuyến quốc lộ theo hành lang này, nhất là Quốc lộ 91, đã quá tải. Do vậy, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Châu Đốc đến cảng Trần Đề khoảng 12 km; cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang đầu tư tạo ra không gian mới để phát triển kinh tế.
Còn với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá sẽ tạo động lực phát triển cho cả vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Dự án này còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nói chung.
Phía Nam có thêm gần 1.300 km đường bộ
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực phía Nam có 10 tuyến với chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe, gồm: Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng), Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai), TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư (Bình Phước), TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), Gò Dầu - Xa Mát (Tây Ninh), TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh. Cùng với đó là 2 đường vành đai đô thị TP HCM (Vành đai 3, Vành đai 4) dài 291 km.
Kết nối, giao thương với các nước tiểu vùng sông Mê Kông
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa cũng như động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực ĐBSCL. Tuyến cao tốc này cũng sẽ phát huy hiệu quả khai thác những tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng. Từ đó, từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng nếu có tuyến cao tốc này sẽ phá được thế An Giang bị "bao vây" lâu nay. Bởi lẽ, hiện nay, An Giang chỉ có tuyến Quốc lộ 91 đi ngang qua nên thường xảy ra kẹt xe vào cuối tuần, đặc biệt là mùa lễ hội. Nếu tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được đầu tư sẽ giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông khi vào mùa cao điểm. Hơn nữa, tuyến cao tốc này sẽ giúp An Giang và các địa phương lân cận phát triển, giảm chi phí logistics, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng như vận chuyển hàng hóa phát triển mạnh hơn.
C.Linh - K.Đồng
Người lao động