Đề xuất điều chuyển 2.268 tỷ đồng cho các dự án của 2 Tổng cục
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp
Chiều 13/12, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
- 13-12-2022WTO xếp Việt Nam vào nhóm 30 nền kinh tế xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới
- 13-12-2022Cảng VIMC Đình Vũ được thí điểm khai thác tàu container trong 6 tháng
- 13-12-2022Lào là điểm đến đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất điều chỉnh hơn 2.268 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên năm 2021, để bổ sung dự toán chi đầu tư năm 2022 thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, bao gồm hơn 348 tỷ đồng cho 42 dự án đã hoàn thành, 1.347 tỷ đồng cho 41 dự án chuyển tiếp và 572 tỷ đồng cho 12 dự án khởi công mới.
Về thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, Chính phủ cho rằng, một số dự án chuyển tiếp và khởi công mới vào năm 2023 sẽ không thể hoàn thành, tất toán trong năm 2023 và không thuộc đối tượng kéo dài thời gian giải ngân thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, do đó đề nghị cho phép quy định thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2024.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, theo pháp luật hiện hành, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là những cơ quan được hưởng cơ chế quản lý tài chính đặc thù trong giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết của Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương. Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, trong khi chưa thực hiện được cải cách tiền lương thì có đủ căn cứ pháp lý để Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục được hưởng cơ chế tài chính đặc thù.
Ông Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, trong điều kiện các dự án của Bộ Tài chính đang thiếu vốn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện, việc điều chỉnh, bố trí vốn để thực hiện các dự án của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là cần thiết. Do đó, Ủy ban Tài chính, ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ, đồng thời, để bảo đảm tính khả thi trong giải ngân vốn đối với các dự án khởi công mới vào năm 2023, có thể cho phép quy định thời hạn giải ngân, hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án đầu tư công được sử dụng nguồn vốn này đúng, đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Qua xem xét, thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc giảm chi thường xuyên của Bộ Tài chính và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư cho Bộ Tài chính với các số liệu cụ thể như Chính phủ. Đồng thời, cho phép chuyển nguồn sang các năm sau, để thực hiện các thủ tục, giải ngân.
Các nội dung này sẽ được đưa vào trong nhóm nội dung về ngân sách tại Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp bất thường sắp tới.
Tiền Phong