Đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đang được Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50%, tức 1.500 đồng/lít, áp dụng hết năm 2022 để hỗ trợ ngành hàng không.
- 25-11-2021Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH AEON Mall ký kết bản ghi nhớ hợp tác với tổng vốn 170 triệu USD
- 25-11-20214 tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 83.000 tỷ đồng xây Vành đai 3 TP. HCM
- 25-11-2021Đề xuất chi cao nhất hơn 3,5 tỷ đồng cho 1 giảng viên làm tiến sỹ
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các các bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến về Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành nêu rõ, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước tác động của dịch Covid-19, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 979/2020 ngày 27-7-2020 và Nghị quyết số 1148/2020 ngày 21-12-2020, trong đó quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 31-12-2021 là 2.100 đồng/lít, giảm 30% so với quy định. Như vậy, kể từ ngày 1-1-2022, mức thuế bảo vê môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ quay trở lại mức 3.000 đồng/lít.
Đề xuất giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2022 - Ảnh: Bình An
Bộ Tài chính cho biết ngành hàng không là một trong những ngành chịu thiết hại nặng nề do dịch Covid-19. Việc giảm 30% mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không. Theo báo cáo của Tổng công ty hàng không Việt Nam, thực hiện chính sách trên đã giúp doanh nghiệp giảm được 155 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2020 và dự kiến giảm được 164 tỉ đồng trong năm 2021.
Bộ Tài chính cũng nhìn nhận thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là khoản thu khi sử dụng nhiên liệu bay. Tuy nhiên, thời gian qua do thực hiện giãn cách xã hội nên ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng phải hạn chế hoạt động, thậm chí có thời điểm ngành hàng không gần như đóng băng. Do đó, chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 1-8-2020 đến hết ngày 31-12-2021 chưa thể phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.
Vì vậy, để phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 trong giai đoạn tiếp theo, khi hoạt động kinh doanh trở về trạng thái bình thường mới, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022.
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để trình UBTVQH quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31-12-2022 là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với quy định hiện hành.
Việc đề xuất tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 30% lên 50% là nhằm góp phần hỗ trợ hơn nữa đối với ngành hàng không; đồng thời đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và phù hợp với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trường hợp các đường bay được hoạt động như năm 2020 thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm khoảng 1.725 rỉ đồng, từ đó làm giảm số thu ngân sách Nhà nước khoảng 1.898 tỉ đồng (bao gồm Thuế Bảo vệ môi trường và Thuế giá trị gia tăng).
Trong trường hợp đường bay hoạt động như năm 2021, thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm khoảng 1.260 tỉ đồng, từ đó làm giảm số thu ngân sách khoảng 1.386 tỉ đồng (bao gồm Thuế Bảo vệ môi trường và Thuế giá trị gia tăng).
Theo Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ tháng 8-2020 (thời điểm bắt đầu giảm 30%) đến hết tháng 9-2021 giảm 1.072 tỉ đồng. Trong đó, từ tháng 8-2020 đến hết tháng 12-2020 giảm 493 tỉ đồng; từ tháng 1-2021 đến hết tháng 9-2021 giảm 579 tỉ đồng.
Người lao động