MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất hạn chế tối đa Nhà nước thu hồi đất với 'dự án nhà ở thương mại'

22-06-2023 - 06:58 AM | Bất động sản

“Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả “dự án nhà ở thương mại”, trường hợp này rất khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa góp ý.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79).

Đề xuất hạn chế tối đa Nhà nước thu hồi đất với 'dự án nhà ở thương mại' - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). Ảnh: Như Ý.

Theo đại biểu, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp trước, dự thảo lần này đã có sự thay đổi lớn theo hướng mở rộng hơn, các trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.

Đối với nhóm thứ 3, đại biểu Hoa tán thành với quan điểm của Uỷ ban Kinh tế: quy định như tại điểm e và điểm g, khoản 3, điều 79 dẫn chiếu sang các trường hợp đấu giá tạo lập quỹ đất và đấu thầu là chưa rõ ràng.

“Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí để xác định trường hợp thu hồi đất. Hơn nữa, Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả “dự án nhà ở thương mại”, trường hợp này rất khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không”, đại biểu đoàn Nam Định nêu.

"Với thu hồi đất cho mục đích thương mại, thì theo cơ chế thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu cơ quan tổ chức định giá độc lập. Nếu không thỏa thuận được nữa thì nên yêu cầu tòa án giải quyết, như thế sẽ đầy đủ hơn", đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum).


Theo bà, mặc dù theo quy định này, Nhà nước thu hồi đất để tạo lập Quỹ đất nhằm thu địa tô chênh lệch, điều tiết nguồn lợi từ đất đai cho xã hội, nhưng rõ ràng thu hồi đất trong trường hợp này rất khó để chứng minh thuộc trường hợp “thật cần thiết” để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như Điều 54 Hiến pháp đã quy định.

“Do đó, tôi tiếp tục đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc những trường hợp này và đề nghị hạn chế đến mức tối đa việc Nhà nước thu hồi đất thuộc nhóm thứ 3, nhất là những trường hợp có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen”, bà Hoa nêu.

Đề xuất hạn chế tối đa Nhà nước thu hồi đất với 'dự án nhà ở thương mại' - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận ngày 21/6. Ảnh: Như Ý.

Lựa chọn những hành vi điển hình nhất để "nghiêm cấm"

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12), đại biểu Hoa cho rằng, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai là không được phép. Tuy nhiên, việc liệt kê tất cả các hành vi bị nghiêm cấm vào trong luật là không khả thi.

"Vì vậy, Luật cần lựa chọn những hành vi điển hình nhất, dễ xảy ra sai phạm nhất để đưa vào điều này để có tính chất răn đe, phòng ngừa chung, làm cơ sở cho việc quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật có liên quan để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, kỷ luật, hình sự”, bà Hoa cho hay.

Theo đại biểu, những hành vi bị coi là tội phạm vi phạm quy định về đất đai trong Bộ luật Hình sự, thông thường phải được thể hiện trong điều cấm này như hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với quy định của pháp luật; (Điều 228 – Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai); hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật (Điều 229 - Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai).

Về cơ bản các hành vi nêu trên đã được thể hiện trong điều cấm này. Tuy nhiên, theo bà Hoa, khoản 1, điều 12 của dự thảo mới chỉ quy định hành vi bị cấm của cơ quan quản lý Nhà nước mà không quy định đối với chủ thể là cá nhân.

Trong khi đó, tại 2 điều của Bộ luật Hình sự nêu trên chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân mà không xử lý hình sự đối với pháp nhân. Đặc biệt, điều 229 Bộ luật Hình sự chỉ điều chỉnh chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn.

“Do đó, bà Hoa đề nghị bổ sung vào mũ của khoản 1, điều 12 cụm từ “người có chức vụ quyền hạn” và được sửa thành: “Các hành vi của cơ quan quản lý nhà nước, người có chức vụ quyền hạn bao gồm:…”.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Nam Định cũng đề nghị rà soát những nội dung không rõ, không có tính khả thi, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện như điểm l, khoản 1 Điều 12 quy định: “nghiêm cấm xác định giá đất cụ thể không đúng thời hạn, không đúng phương pháp theo quy định”.

Trong khi đó, điều 160 - Giá đất cụ thể thì không quy định bất cứ một loại thời hạn nào và khoản 4 điều 158 về phương pháp định giá đất đưa ra 4 phương pháp; không quy định rõ trường hợp nào áp dụng phương pháp nào hoặc ưu tiên áp dụng phương pháp nào, mỗi phương pháp có thể đưa ra kết quả khác nhau và dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau.

“Với những quy định cấm này có thể đẩy những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vào những rủi ro về mặt pháp lý sau này. Do đó, tôi đề nghị rà soát thật kỹ nội dung của điều này”, bà Hoa cho hay.

Giải trình, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, với bảng giá đất, quá trình xây dựng đầu tiên là khó khăn nhất. Tuỳ theo trường hợp cụ thể, UBND cấp tỉnh xác định lựa chọn theo phương pháp nào để đảm bảo không tiêu cực, phòng chống tham nhũng và sát nhất với thị trường.

“Chúng ta sẽ ưu tiên đấu giá đất để tăng nguồn thu cho ngân sách triệt để. Đấu giá đất phải là đất sạch. Nhà nước đứng ra đấu giá đất theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho HĐND tỉnh quyết định đó là những dự án trọng điểm, cần thiết của địa phương”, ông Khánh nói.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên