MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất kéo dài thí điểm cho vay vốn với người nhiễm HIV, sau cai nghiện

21-04-2019 - 12:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 15 tỉnh, thành phố thí điểm đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số tiền là 12,883 tỷ đồng. Trong đó, số khách hàng vay vốn là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ (48,8%), cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 153/504 hồ sơ (30,3%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84/504 hồ sơ (16,7%); cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn 21/504 (4,2%).

Việc thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm giúp nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV tự tạo việc làm, tăng thu nhập cá nhân và gia đình, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tái nghiện, tái phạm. Đến nay, chính sách này đã bước đầu phát huy tác dụng. Cụ thể: Tăng thu nhập hàng tháng của cá nhân, hộ gia đình: Nhiều người trước đây không có việc làm, không có thu nhập, hiện nay, thu nhập trung bình của những người được vay vốn là từ 2 – 5 triệu đồng/tháng.

Tỷ lệ tái nghiện, tái phạm trong nhóm được vay vốn giảm hẳn: Một số tỉnh, thành phố chưa phát hiện người tái nghiện, tái phạm; các tỉnh còn lại, tỷ lệ tái nghiện thấp, tỉnh Bạc Liêu tỷ lệ tái phạm là 40% trong nhóm được vay, trong khi tỷ lệ tái phạm trong nhóm không được vay là 80%; tại tỉnh Sơn La, phát hiện 2/31 người tái nghiện, chiếm 6,45%.

Sự thành công, ổn định cuộc sống qua việc sử dụng có hiệu quả vốn vay đã làm thay đổi quan điểm của người dân, giảm dần tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với nhóm dễ bị tổn thương, là động lực giúp đối tượng khác vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, việc tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ của cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cán bộ tư vấn, tình nguyện viên ở cấp cơ sở, xã, phường, thôn, bản đối với người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV dễ dàng hơn.

Chính sách vay vốn tác động rất tích cực tới các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; khẳng định đây là chính sách nhân văn của Việt Nam, góp phần phát triển an sinh xã hội bền vững.

Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mặc dù kết quả đạt được bước đầu là rất tích cực, tuy nhiên, do thời gian thực hiện thí điểm còn ngắn, số cá nhân, hộ gia đình vay vốn chưa được nhiều, đặc biệt là nhiều hồ sơ vay chưa đến hạn trả nợ (mới có 77/504 hồ sơ vay ngắn hạn đến kỳ trả vốn và đã được các cá nhân, hộ gia đình hoàn trả đúng quy định và chưa có trường hợp nào để nợ quá thời hạn) nên cần có thêm thời gian thí điểm để đánh giá chính xác hơn hiệu quả của việc sử dụng vốn vay và tỷ lệ thu hồi vốn nhằm đảm bảo tính khả thi khi triển khai mở rộng trên phạm vi cả nước. Do đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg theo hướng kéo dài thời gian thí điểm đến hết năm 2020.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất năm 2019 – 2020 tiếp tục thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố. Từ năm 2021 triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Ngọc Bích

Trí thức trẻ/ VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên