MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản

31-10-2023 - 14:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, việc giao dịch bất động sản qua ngân hàng sẽ hạn chế được nham nhũng, tiêu cực.

Sáng 31/10, cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh về vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Trong Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản, trong dự thảo Luật có quy định Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Đại biểu Cường cho biết, theo Luật Phòng, chống tham nhũng, việc thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với những giao dịch lớn như các giao dịch bất động sản thì Nhà nước cần thực hiện chính sách tiến tới bắt buộc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, đề nghị sửa lại nội dung chính sách nêu trên để bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng của Nhà nước ta.

Đề xuất không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - đoàn Quảng Bình

Cũng về vấn đề này, liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với quy định tại Điều 47. Cụ thể khoản 2, Điều 47 quy định chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng tất cả các giao dịch liên quan đến bất động sản đều phải thanh toán qua ngân hàng.

"Không chỉ việc quy định ở khoản 2 Điều 47 nhà đầu tư, doanh nghiệp mới phải thực hiện. Còn phần lớn giao dịch bất động sản có thể giữa các cá nhân với nhau nhưng có tính chất kinh doanh thì tất cả những nội dung giao dịch liên quan đến bất động sản, tôi đề nghị phải thanh toán qua ngân hàng chứ không chỉ mỗi phần của chủ doanh nghiệp với chủ đầu tư. Chúng ta đã tiến được một bước tiến đáng kể để thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tôi đề nghị chúng ta phải cách mạng thêm", ông An đề xuất.

Không để sàn giao dịch bất động sản "tay tung, tay hứng"

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề cập đến vấn đề quản lý các sàn giao dịch bất động sản.

Theo dự thảo Luật, thay vì bắt buộc sẽ chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Ông Cường cho rằng, sàn giao dịch bất động sản có ý nghĩa quan trọng trong thị trường bất động sản. Theo đại biểu, nếu sàn giao dịch bất động sản không chuyên nghiệp thì thị trường sẽ "méo mó".

Thực thi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho thấy, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chưa đủ khả năng để bảo đảm an toàn pháp lý của giao dịch. Thậm chí, xuất hiện nhiều trường hợp sàn giao dịch bất động sản có hành vi làm nhiễu loạn thị trường.

"Nhiều sàn đã làm cho thị trường sai lệch. Vậy tại sao chúng ta không quy định lại pháp luật để sàn không làm sai lệch nữa. Đặc biệt, trong luật 2014, chúng ta đã không quy định đúng chức năng của sàn, không phải chỉ là chức năng môi giới. Chúng ta vẫn để cho sàn tham gia vào cả bán và cả mua", đại biểu nói.

Theo đại biểu, đáng ra sàn chỉ đứng giữa thì bây giờ lại vừa mua, vừa bán, được gọi là "tay tung, tay hứng". Chính điều đó mới làm cho nhiễu loạn thị trường.

Đề xuất không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Đại biểu đề nghị trong luật lần này phải quy định chặt chẽ hơn về sàn giao dịch bất động sản theo hướng sàn chỉ thực hiện chức năng trung gian, chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp cho người mua và Nhà nước. Tiếp đó, sàn không được tham gia vào mua bán bất động sản, mà được hưởng phí xác nhận giao dịch, thù lao môi giới do hai bên thỏa thuận.

Đại biểu đồng tình với dự thảo luật khi không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn. Còn người nào giao dịch qua sàn rồi thì dùng giấy xác nhận qua sàn có thế thay thế, không cần phải qua công chứng.

Đại biểu nhấn mạnh, khi trao cho sàn trách nhiệm đúng vai trò là tư vấn cho khách hàng, cung cấp thông tin, môi giới thì sẽ phát huy được vai trò của mình, góp phần phát triển và lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

"Nếu chúng ta không trao cho họ vai trò đó, để cho người ta vừa tung vừa hứng như hiện nay thì sẽ làm nhiễu loạn thị trường.

Tôi biết rằng việc quy định như thế thì làm cho người môi giới không vui bởi không còn sự độc quyền xác nhận nữa vì khách hàng sẽ lựa chọn qua công chứng hoặc qua môi giới", đại biểu Hoàng Văn Cường nói và cho rằng những người làm môi giới sẽ phải hoạt động chuyên nghiệp và tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm pháp luật, không được quyền "tự tay tung, tay hứng" để kiếm lợi như trước.

Theo Thùy An

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên