Đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án giao thông đường bộ
Quy định hiện hành khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án đối tác công - tư (PPP) xây dựng công trình giao thông đường bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nâng tỷ lệ vốn này để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.
- 14-05-2023Bắc Giang phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp rộng hơn 150 ha
- 14-05-2023Tỉnh Hà Nam xúc tiến đầu tư tại Hà Lan
- 14-05-2023Giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Tại dự thảo, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quy định thí điểm 3 chính sách về: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP; giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương; giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lựa chọn giải pháp nâng tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án PPP nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
Ngoài việc, việc nâng tỷ lệ tham gia của Nhà nước còn tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước.
Việc quy định cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nhằm huy động nguồn lực địa phương đầu tư các công trình, dự án quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Người đứng đầu địa phương sẽ phát huy được tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý, điều hành dự án; thuận lợi trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Đề xuất này còn nhằm huy động lực lượng lao động của địa phương tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; giao quyền chủ động cho địa phương trong công tác quy hoạch, đấu nối hạ tầng, xác định vị trí các nút giao cần thiết để tạo không gian cho phát triển kinh tế; thu hút đầu tư, khai thác quỹ đất dọc tuyến; kiểm soát mỏ nguyên vật liệu ngay từ giai đoạn cấp phép; quản lý giá cả, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi; tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện, gắn trách nhiệm của các bên liên quan...
Còn đề xuất cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn hoặc theo thỏa thuận của các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định sẽ tháo gỡ điểm nghẽn thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện dự án đầu tư liên kết vùng, đường ven biển, các công trình cầu, hầm qua hai địa phương.
“Để thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thực tiễn, cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm giao Thủ tướng quyết định vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và cho phép địa phương sử dụng ngân sách của địa phương mình để hỗ trợ các địa phương khác cùng thực hiện 1 dự án đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.
Tiền Phong