MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động tiêu cực đầu tiên với nhà đầu tư, du khách khi đến TPHCM

Đường vào cảng Cát Lái và cao tốc Long Thành - Dầu Giây liên tục kẹt xe, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải khắp nơi. Điều này tác động tiêu cực đến ấn tượng đầu tiên của các nhà đầu tư, du khách khi đặt chân đến thành phố.

Ngày 18/9, tại chương trình đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững : Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng” do UBND TPHCM phối hợp Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự ngán ngại về ách tắc về hạ tầng giao thông tại TPHCM.

Tác động tiêu cực đầu tiên với nhà đầu tư, du khách khi đến TPHCM- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp FDI trao đổi bên lề buổi đối thoại. Ảnh: Ngô Tùng.

Theo ông Trần Anh Đức - đồng Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại VBF, chi phí các doanh nghiệp phải trả cho logistics tại Việt Nam cao hơn trung bình ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, chi phí vận tải cũng chiếm mức cao trong giá thành sản phẩm. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông tại TPHCM không đáp ứng sự phát triển. Đường vào cảng Cát Lái và cao tốc Long Thành - Dầu Giây liên tục kẹt xe, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải khắp nơi. Điều này tác động tiêu cực đến ấn tượng đầu tiên của các nhà đầu tư, du khách khi đặt chân đến thành phố.

“TPHCM cần cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh”, vị này góp ý.

Ông Nguyễn Công Hoàn - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - thừa nhận hiện cảng này đang khai thác 41,6 triệu lượt khách/ năm, vượt xa công suất thiết kế ban đầu ở mức 28-30 triệu lượt khách/năm. Do đó đã dẫn đến việc sân bay thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.

“Sự quá tải về hạ tầng là nguyên nhân chính khiến việc phục vụ hành khách gặp nhiều hạn chế, nhất là trong quá trình nhập cảnh”, ông Hoàn nói.

Tác động tiêu cực đầu tiên với nhà đầu tư, du khách khi đến TPHCM- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Hoàn - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - nêu thực trạng tại sân bay này.

Thấy được điều này, Chính phủ đã yêu cầu phát triển các nhà ga và cơ sở hạ tầng mới để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao. Theo đó, dự kiến nhà ga T3 đang được xây dựng với công suất 20 triệu lượt khách/năm và sẽ đi vào hoạt động vào dịp 30/4/2025. Ngoài ra, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đi vào khai thác vào năm 2026 sẽ giúp cải thiện hạ tầng năng lực phục vụ hành khách trong tương lai.

Theo lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thời gian qua lực lượng công an cửa khẩu đã nỗ lực cải thiện năng lực tiếp nhận hành khách như phân luồng hành khách hợp lý hơn, lắp đặt cổng kiểm soát tự động.

Đơn vị cũng thử nghiệm các công nghệ mới, tuy nhiên cần thời gian để cập nhật dữ liệu trên hệ thống, do vậy tình trạng đông đúc hiện vẫn khó tránh khỏi. Chính vì thế, nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất cần tiếp tục được nâng cấp.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng việc sắp tới có thêm nhà ga có lẽ sẽ thêm thuận lợi hơn, nhưng rõ ràng cũng cần cải thiện các hoạt động xuất nhập cảnh điện tử hoặc có cơ chế quản lý linh hoạt thuận tiện hơn cho hành khách.

Ông Hoan cho rằng, hạ tầng vẫn là khâu yếu nhất của khu vực phía Nam. Do đó, Chính phủ đang rất quan tâm và sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng và hy vọng các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các tỉnh thành phía Nam. Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã được đầu tư xây dựng hệ thống cảng ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An… Bên cạnh đó, nhà đầu tư quốc tế cũng có thể nghiên cứu tham gia vào các hạng mục của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TPHCM).

“Đây là cảng lớn cần rất nhiều nhà đầu tư lớn, ngoài đầu tư lớn làm dự án chính thì cũng cần đầu tư vào các hạng mục thứ cấp khác”, ông Hoan gợi mở.

Tác động tiêu cực đầu tiên với nhà đầu tư, du khách khi đến TPHCM- Ảnh 3.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Ngô Tùng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho hay, vừa qua Nghị định 84 của Chính phủ cho phép TPHCM quản hệ thống đường thủy quốc gia trong nội thành thành phố. Theo đó, tại TPHCM chỉ có một cấp quản lý hệ thống đường thủy là UBND TPHCM mà cụ thể là Sở Giao thông vận tải, không còn hai cấp Trung ương và địa phương như trước. Do đó, cơ hội phát triển hệ thống cảng, cầu và hệ thống giao thông thủy bên trong khu vực TPHCM sẽ rất tiềm năng.

“Các doanh nghiệp nước ngoài có dự định tham gia đầu tư hệ thống đường sông ở TPHCM cũng sẽ có cơ hội lớn. Về định hướng, TPHCM và các tỉnh phía Nam cũng đang đáp ứng những xu thế phát triển hiện tại về tăng trưởng xanh và chuyển đổi số , rất nhiều cơ hội sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư”, ông Võ Văn Hoan nói thêm.

Theo Ngô Tùng

Tiền phong

Trở lên trên