Đề xuất nhập khẩu, lập trung tâm kinh doanh vàng
Từ những bất cập của thị trường vàng, các chuyên gia đề xuất cơ quan chức năng nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 quản lý kinh doanh vàng. Trước mắt, nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung, về dài hạn, cơ quan chức năng trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp, tạo lập trung tâm kinh doanh vàng tập trung.
- 03-07-2024Ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 7, vững vàng trong nhóm có lãi suất huy động cao nhất hệ thống
- 03-07-2024Giá vàng SJC, giá vàng nhẫn hôm nay ngày 3/7
- 03-07-2024Thị trường vàng miếng SJC: Khó mua đến bao giờ?
Ngày 3/7, Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính phối hợp Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2024. Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về giải pháp cho thị trường vàng.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng trong nước xáo trộn. Giá vàng miếng SJC từng đạt mức 92,4 triệu đồng/lượng - cao nhất trong lịch sử. Giá vàng trong nước tăng cao do giá vàng thế giới tăng mạnh và mất cân đối cung - cầu, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao.
Để góp phần giải quyết bất cập của thị trường vàng, ông Long kiến nghị, giải pháp cấp bách, tình thế trong ngắn hạn, cơ quan chức năng nên nhập khẩu vàng chính ngạch để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Ngân hàng Nhà nước chỉ nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt.
Ông Long cũng cho rằng đang tồn tại tình trạng vàng 2 giá, trong đó giá vàng “chợ đen” cao hơn giá vàng ở Công ty SJC và ngân hàng quốc doanh 3-4 triệu đồng/lượng. Ông Long nhận định, giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế, mỗi lần chỉ được mua 1 lượng.
“Chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét phương án khác hiệu quả hơn. Theo kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và châu Âu ở thời điểm giá vàng căng thẳng, người dân không được giữ vàng vật chất, chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng", ông Long kiến nghị.
Để giải quyết bất cập thị trường vàng, ông Long kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương sửa đổi Nghị định số 24 về kinh doanh vàng. Cơ quan chức năng trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp. Tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi. Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng.
Theo ông Long, chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Cùng quan điểm, PGS.TS Võ Thị Vân Khánh - Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Tài chính - kiến nghị, cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định.
TS. Hà Thị Đoan Trang - Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính - dự báo, những tháng cuối năm giá vàng sẽ bình ổn, dao động quanh mức giá hiện tại. Theo bà Trang, để có được một thị trường ổn định trong dài hạn, cần phải xây dựng một thị trường vàng mang tính chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
Ngày 3/7, giá vàng nhẫn tròn trơn trong nước được doanh nghiệp niêm yết quanh mức 74,88 - 76,18 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giá vàng miếng SJC bán ra ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Tiền phong