Đề xuất nhiều phương án "bình thường mới"
Không thể "xóa sổ" Covid-19 nên Việt Nam đã và đang xây dựng kế hoạch để sống chung, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới với mục tiêu trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
- 10-10-2021Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm mở lại đường bay nội địa
- 10-10-2021Bí thư Đà Nẵng đến hầm Hải Vân, phát tiền hỗ trợ cho người dân về quê
- 10-10-2021Hành khách mặc bảo hộ kín mít đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày đầu thí điểm bay nội địa
Ngày 10-10, Bộ Y tế cho biết có 3.528 ca Covid-19 phát hiện tại 41 tỉnh, thành phố; riêng TP HCM có 1.067 ca. Đây là số ca mắc thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua.
Số ca nhiễm, tử vong giảm rõ rệt
Tính từ 17 giờ ngày 9-10 đến 17 giờ ngày 10-10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.528 ca nhiễm mới, trong đó có 15 ca nhập cảnh và 3.513 ca trong nước (giảm 999 ca so với hôm trước). Số ca mắc trong cộng đồng là 1.211. Trong ngày, thêm 21.398 bệnh nhân khỏi bệnh, cao gấp 6 lần số mắc. Cùng ngày, 113 ca tử vong được ghi nhận tại TP HCM (82), Bình Dương (12), Ninh Thuận (6), Long An (4)...
Theo Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4, cả nước đã ghi nhận 835.036 ca Covid-19, trong đó 779.382 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong giảm rõ rệt.
Nhịp sống ở TP HCM dần trở lại bình thường sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ảnh: HUẾ XUÂN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng đã đến lúc phải thay đổi chiến lược. "Khi vắc-xin Covid-19 đã có, được tiêm cho người dân và ngày càng "phủ sóng" trên diện rộng hơn thì chúng ta mới có thể thay đổi chiến lược. Không phải chúng ta cứng nhắc trong vấn đề điều chỉnh nhưng phải tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của đất nước. Mục tiêu đặt lên trên hết, trước hết là sức khỏe, tính mạng của người dân" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bình Dương - cho rằng với thực tế hiện nay, khi vắc-xin Covid-19 đã được bao phủ và ngày càng lan rộng thì việc tính đến mở cửa lại nền kinh tế là hợp lý.
"Khi người dân được tiêm vắc-xin nhiều thì việc xét nghiệm Covid-19 chỉ cần phù hợp với tình hình, dựa trên mức độ lây nhiễm của địa phương. Chúng ta cần tính toán tiêm vắc-xin cho trẻ em càng sớm càng tốt để tất cả người dân đều được bảo vệ trước Covid-19. Chúng ta có thể thích ứng an toàn với đại dịch này lâu dài, mở cửa xã hội một cách bình an" - ông Nguyễn Lân Hiếu nhìn nhận.
Đề xuất nhiều hoạt động được mở ở "vùng đỏ"
Bộ Y tế cho biết hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đang được lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương để hoàn thiện và sớm ban hành. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là văn bản quan trọng, điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Theo dự thảo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", từ tháng 12-2021 sẽ phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Dự thảo đưa ra 5 tiêu chí đánh giá, 4 cấp độ phân loại dịch. Việc xác định cấp độ dịch sẽ được đánh giá ở phạm vi nhỏ nhất là cấp xã, tổ/đội, khu dân cư, thôn xóm thay vì cấp huyện, tỉnh, trên cơ sở phân loại 4 cấp độ nguy cơ (4 vùng tương ứng xanh, vàng, cam, đỏ).
So với dự thảo trước đây, dự thảo lần này quy định cụ thể hơn về các hoạt động được phép thực hiện. Theo đó, các hình thức giao thông công cộng (bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải) sẽ phải dừng hoạt động nếu là "vùng đỏ" (cấp độ 4), các vùng còn lại đều được hoạt động song phải giảm công suất ở "vùng cam". Tuy nhiên, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện phải được xét nghiệm định kỳ 1 tuần/lần ở "vùng cam" (cấp độ 3) và 2 tuần/lần ở "vùng vàng" (cấp độ 2); có xét nghiệm âm tính.
Theo dự thảo hướng dẫn, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch trên cơ sở bảo đảm phòng chống dịch, người lao động và khách được tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19, đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, nhà hàng, quán ăn ở "vùng đỏ" chỉ được bán mang đi, tại "vùng cam" được hoạt động nhưng giảm 50% lượng khách (trong tổng số khách thường có) tại cùng một thời điểm; "vùng vàng" giảm 30% lượng khách.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác như: làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp, mát xa, vũ trường, karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử hoặc các cơ sở khác được hoạt động hay không sẽ do địa phương quyết định, bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo cũng phải ngừng ở "vùng đỏ", "vùng vàng" (trừ trường hợp được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực). Đối với các hoạt động tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao…, tùy vào cấp độ dịch để hoạt động hoặc hạn chế số lượng người tham gia, giảm công suất.
Tăng rối loạn trầm cảm do Covid-19
Tại lễ mít tinh và hội thảo trực tuyến hưởng ứng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới tổ chức sáng 10-10, PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tỉ lệ này đã tăng cao hơn trong đại dịch Covid-19. Đại dịch đã tác động đến một số nhóm dễ bị tổn thương là nhân viên y tế, người ở tuyến đầu chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân...
Người lao động