Đề xuất phân loại công việc nặng nhọc, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn lộ trình tuổi quy định
Đại diện công đoàn dệt may đề nghị phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, để NLĐ, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
- 03-12-202311 tháng năm 2023: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 48 tỷ USD
- 03-12-2023Thấy gì con số giải ngân đầu tư công của TPHCM sau 11 tháng?
- 03-12-2023Áp thuế tối thiểu toàn cầu, Ngân sách Nhà nước sẽ thu thêm 14,6 nghìn tỷ đồng
Sáng 3.12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tiến hành phiên bế mạc. Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, dệt may là ngành đông lao động nữ , chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành. Nhiệm kỳ qua, có 232 nghìn lượt lao động nữ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi người lao động (NLĐ) đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc, các trung tâm dịch vụ việc làm có thể giới thiệu họ làm những công việc phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Theo bà, các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lao động nữ, chi các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế…
Nữ Chủ tịch Công đoàn dệt may cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của NLĐ, trong đó có lao động nữ.
Đồng thời, phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để NLĐ, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
Bà Tâm cũng đề nghị Tổng Liên đoàn nghiên cứu ban hành các đề án thúc đẩy hỗ trợ nữ CNVCLĐ xây dựng hạnh phúc gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con. Tham gia xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ đời sống, việc làm của lao động nữ.
Chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn
Đề cập đến chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn, ông Phạm Quang Hưởng - Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam nhấn mạnh, để thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đòi hỏi các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương phải quyết tâm thực hiện để tạo bước đột phá và Công đoàn Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó.
“Chuyển đổi số thì 70% là quyết tâm chính trị, là sự vào cuộc và triển khai quyết liệt của lãnh đạo Công đoàn các cấp. Công nghệ chỉ chiếm 30%. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Công nghệ chỉ là kỹ thuật, công cụ phục vụ quá trình chuyển đổi số. Do vậy, trong quá trình chuyển đổi số tổ chức Công đoàn thì việc tuyên truyền, quán triệt để có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số phải được quan tâm hàng đầu”, ông Hưởng nêu.
Công đoàn Việt Nam là một tổ chức rộng lớn, với trên 123.000 công đoàn cơ sở và hơn 11 triệu đoàn viên. Nếu không dùng công nghệ thì rất khó quản lý và phát triển. “Chúng ta nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp Công đoàn”, ông Hưởng nhấn mạnh, đồng thời đề xuất sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung và sử dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo hỗ trợ đoàn viên và cán bộ công đoàn.
Có cơ chế khen người làm tốt công tác kiểm tra , giám sát
Tham luận về công tác kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Cần Thơ Lê Thị Sương Mai - cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm tra: Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ.
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã khẳng định "Tăng cường công tác kiểm tra của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp để ngăn ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để nhân rộng và nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, những vi phạm của tổ chức và đoàn viên. Kiện toàn bộ máy Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp để đảm bảo tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao".
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp quyết tâm đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, uốn nắn kịp thời những dấu hiệu vi phạm nhằm góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh trong tình hình mới.
Đề nghị Tổng Liên đoàn có cơ chế khen thưởng đối với những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vào quy chế khen thưởng của tổ chức công đoàn; Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động về công tác kiểm tra công đoàn nhằm giúp cán bộ làm công tác kiểm tra nắm vững phương pháp hoạt động, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Công đoàn;
Đồng thời cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương có hướng dẫn, cơ chế trong việc giải quyết vụ việc không chấp hành đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật chiếm dụng kinh phí công đoàn, quản lý sử dụng tài chính công đoàn không đúng quy định pháp luật.
Tiền Phong