MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm, giảm đại biểu thuộc cơ quan hành pháp

29-10-2019 - 21:05 PM | Xã hội

Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã có kiến nghị nên giảm số lượng đại biểu Quốc hội khối cơ quan hành pháp, hay đề xuất Quốc hội nên họp 4 kỳ/năm.

Tại tổ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị nên tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu Quốc hội khối cơ quan hành pháp.

Lý do được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra là: Khi nhiều Bộ trưởng, thậm chí một số chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm đại biểu Quốc hội, dẫn đến thực tế khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, do các đại biểu kiêm nhiệm phải dành thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội.

Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm, giảm đại biểu thuộc cơ quan hành pháp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị nên giảm số lượng đại biểu Quốc hội khối cơ quan hành pháp.

"Quốc hội có quyền yêu cầu bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh không nên là đại biểu Quốc hội?" - ông Trần Hồng Hà đặt vấn đề.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, các đại biểu như ông ở cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm công tác quản lý, nhưng đã phân cấp cho địa phương rất lớn. Vì vậy, trên nghị trường, đại biểu đưa ra những câu hỏi mà bộ trưởng không nắm được để trả lời, bị nhân dân phê bình, trong khi thực tế, thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương.

Trên cơ sở đó, ông đồng tình với quan điểm nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50-60%.

Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm, giảm đại biểu thuộc cơ quan hành pháp - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu TP.Hà Nội).

Cũng góp ý về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, tại tổ Hà Nội, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đề xuất Quốc hội nên tổ chức 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách.

“Hiện nay Quốc hội đang họp hai kỳ/năm. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thay đổi, phát triển nhanh chóng, công tác chuẩn bị các dự án luật của các ngành, các địa phương, các ủy ban của Quốc hội kéo dài, nên chăng, các kỳ họp có thể tổ chức thành bốn kỳ/năm, mỗi kỳ chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, để đáp ứng yêu cầu giải quyết được những công việc gấp, cần thiết, cấp bách” - ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng cần có cơ chế "mở" để thu hút những người giỏi tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Ví dụ như các trí thức, doanh nhân giỏi… đang làm ở khu vực tư nhân, những người hội tụ đủ các yếu tố về phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tính đại diện, mong muốn được làm đại biểu Quốc hội chuyên trách... thì liệu có mở cửa được cho họ không?

Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận về đại biểu Quốc hội, có cơ chế không bắt buộc đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là công chức và có chính sách hợp lý để thu hút những người giỏi tham gia công việc này.

Theo ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên