Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện lên 50% cho hộ nghèo
Đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho nhiều người có đủ khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- 14-08-2020Doanh nghiệp nợ BHXH gần 20.700 tỷ đồng
- 04-08-2020Hà Nội: Hơn 9.800 doanh nghiệp giải thể, nợ BHXH trên 1.157 tỷ đồng
- 28-07-2020Người lao động chịu thiệt khi doanh nghiệp cố tình đóng BHXH ở mức thấp
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 2620/BHXH-BT gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
NÂNG MỨC HỖ TRỢ CHO HỘ NGHÈO LÊN 50%
BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần.
Cụ thể: Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Theo dự kiến của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, cũng như dự kiến của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này thì số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người, đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người.
Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).
GIA TĂNG SỐ NGƯỜI THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Mục tiêu phát triển BHXH đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%.
Đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%.
Để thực hiện được mục tiêu trên, những năm qua BHXH Việt Nam cũng có nhiều đổi mới đột phá trong tổ chức thực hiện như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng hệ thống đại lý, cộng tác viên, tổ chức các hội nghị với người dân để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với đó, chính sách pháp luật BHXH về BHXH tự nguyện giai đoạn từ năm 2016 trở đi đã bổ sung một số quy định mới như không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện, đa dạng, linh hoạt các phương thức đóng, nới rộng thời điểm đóng, quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH phù hợp hơn...
Với những giải pháp đó, năm 2016 cả nước có trên 203.000 người tham gia BHXH tự nguyện, thì đến năm 2017 có trên 224.000 người tham gia (tăng khoảng 10% so với năm trước).
Năm 2018, khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước thì số người tham gia tiếp tục tăng nhanh hơn, đạt trên 277.000 người (tăng 23,6% so với năm 2017).
Đặc biệt, từ năm 2019, cùng với hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước và những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc lên trên 574.000 người và đến hết tháng 7/2020 đạt trên 737.000 người.
Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo năm 2018 là 2.930 người (chiếm 1,05%) và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện là 4.390 người (chiếm 1,58%). Năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo là trên 6.500 người (chiếm 1,7% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện).
BizLive