MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất thay đổi giờ làm: Hà Nội sẽ “thất thủ” nếu tất cả cùng túa ra đường

02-11-2019 - 09:35 AM | Xã hội

Đề xuất đồng bộ giờ làm, giờ học là khó khả thi, rất có thể khiến giao thông ở các thành phố lớn “thất thủ” hoàn toàn...

Phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội, lại “nóng” đề xuất đổi giờ làm, giờ học. Đại biểu cho rằng, hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm vào 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng đồng bộ trong khối cơ quan hành chính văn phòng, cơ sở giáo dục.

Theo đại biểu, chúng ta đang còn sử dụng khung giờ của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch là không phù hợp; đồng thời đề xuất đổi giờ làm không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng; chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với đổi giờ làm.

Đổi giờ làm, giờ học không phải bây giờ mới được đưa ra bàn thảo. Từ nhiều năm trước, việc đổi giờ làm, giờ học đã được “mổ xẻ”, thí điểm và cuối cùng chốt phương án như hiện tại.

Thực tế hiện nay, học sinh ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội thường vào học trong khung giờ từ 6h45-7h20. Ở các trường cấp 2, cấp 3 và Đại học, vào học giờ đó nhưng thường đến 12h-12h15 các em mới tan học. Ca học chiều cũng phải bắt đầu từ 12h15-12h45 và tan vào lúc 17h30 trở ra.

Vậy nếu đồng bộ giờ học, giờ làm từ sau 8h trở đi, trong trường hợp giờ học vẫn lệch với giờ làm như trước và lại sau 8h (có thể từ 8h30 trở đi) để hạn chế ùn tắc, thì thời gian học của học sinh sẽ kéo dài thêm 1-1,5 giờ, nghĩa là các em ca sáng sẽ tan học lúc 13h15-13h45. Theo đó ca chiều cũng tan từ 18h30 trở ra. Liệu như thế có phù hợp với thể lực của học sinh cũng như chương trình học hiện nay? Hay lại phải có cuộc cải tổ toàn diện nền giáo dục ngay lập tức giáo dục để rút ngắn thời gian học, đáp ứng yêu cầu về thay đổi giờ học?

Còn trong trường hợp đồng bộ giờ làm cùng với giờ học, thì điều này lại càng khó khả thi.

Hiện, giờ học sớm hơn giờ làm khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, có thể đây chưa là phương án tối ưu nhưng tạm thời giảm tải được mật độ người tham gia giao thông vào cùng một thời điểm.

Đề xuất thay đổi giờ làm: Hà Nội sẽ “thất thủ” nếu tất cả cùng túa ra đường - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ “thất thủ” nếu tất cả cùng túa ra đường


Nếu ai thường xuyên tham gia giao thông ở Hà Nội, thì mới thấy mệt mỏi với các khung giờ “vàng” về tắc đường. Chỉ cần đi vào cùng thời điểm mà người đi làm cùng ra đường, thì có thể ùn tắc thêm từ 30 phút đến 1 tiếng so với đi tránh thời điểm đó khoảng 15-20 phút.

Mới chỉ có riêng người đi làm “túa” ra đường cùng một giờ mà đường Hà Nội đã “thất thủ” đến như thế, nếu thêm lượng lớn cả hàng chục vạn học sinh, sinh viên các trường từ cấp 2, cấp 3 đến Đại học (những đối tượng có thể tham gia giao thông bằng xe đạp, xe máy, xe đạp điện), thì chắc chắn Hà Nội “thất thủ” hoàn toàn. Theo đó, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy của việc muộn làm và chậm giờ học.

Việc đổi giờ làm cùng với giờ học đúng là khá thuận lợi cho các gia đình có con đang học cấp 1-2 phải đưa đón vì bố mẹ tiện đi làm thì đưa con đi học. Nhưng đối tượng học sinh này ít hơn nhiều so với lượng học sinh cấp 2-3 và Đại học (đối tượng có thể tự tham gia giao thông), nên nếu chỉ thuận lợi việc đưa đón nhưng lại cực kỳ bất lợi trong việc giảm ùn tắc giao thông nếu nhìn một cách toàn cục.

Giờ làm, giờ học so le như hiện nay, cũng là giảm được một lượng khá lớn những người đi làm tham gia giao thông vào cùng thời điểm, vì hầu hết khi chở con đi học thì đi làm luôn, không ai quay ngược về nhà rồi mới đi làm.

Vì thế, với việc quá tải về giao thông hiện nay ở các thành phố lớn, thì đề xuất giờ làm, giờ học vào cùng một thời điểm (dù sớm hay muộn hơn hiện nay) đều là khó khả thi, rất có thể khiến các thành phố này “thất thủ” hoàn toàn vào các khung giờ đó.

Còn về lý giải giờ học, giờ làm muộn hơn để cha mẹ, con cái có bữa sáng cùng nhau, để bảo đảm sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo hướng văn minh hiện đại. Đây cũng là một đề xuất mang tính tích cực và ai cũng muốn hướng đến điều đó.

Tuy vậy, nếu áp vào thực tế hiện nay không chỉ ở Việt Nam và kể cả ở nước ngoài cũng rất khó khả thi. Vì khoảng thời gian buổi sáng rất ít, nhất là các cháu nhỏ, mới ngủ dậy còn uể oải sẽ không muốn ngồi nghe hoặc sẽ rất khó tiếp thu bố mẹ trò chuyện và giảng giải, trong khi trước mắt còn rất nhiều thứ các em phải chuẩn bị, nào là ăn uống, sách vở… để đến trường.

Mà theo truyền thống trong gia đình Việt và nhiều nước Á Đông, bữa tối thường là bữa cơm gia đình sum họp, dễ để mọi người lắng nghe, chia sẻ và tiếp nhận thông tin từ những người thân trong gia đình. Bởi sau một ngày làm việc, học tập, người ta thường có nhiều thứ cần và muốn chia sẻ với nhau hơn là vừa mới ngủ dậy.

Còn nếu nói như vị ĐBQH, việc đi làm, đi học muộn để “thức khuya ở đô thị cũng phù hợp với đi làm muộn và phù hợp với xu hướng hiện nay là phát triển nền kinh tế ban đêm” cũng không hẳn đã hợp lý. Điều đó chỉ đúng với một xã hội toàn người trưởng thành trở lên. Còn khi xã hội có trẻ em thì ở lứa tuổi đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thức khuya hoàn toàn không có lợi cho việc phát triển sức khỏe, chiều cao và trí tuệ của trẻ.

Việc người lớn thức khuya không ảnh hưởng tới trẻ nhỏ chỉ đối với những gia đình thực sự có điều kiện, có phòng riêng cho trẻ. Nhưng thực tế ở hầu hết các gia đình Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, nhà cửa đắt đỏ, nhiều gia đình có khi cả mấy thế hệ cùng phải sống chung trong cùng không gian, nên việc ảnh hưởng lẫn nhau là điều không tránh khỏi.

Còn nếu nói đi làm muộn, nghỉ trưa ít là nâng cao hiệu quả làm việc thì cũng chưa có cơ sở khoa học khi năng suất lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là trình độ, khả năng làm việc của người lao động. Chưa tính đến thể lực của người người Việt Nam, điều kiện khí hậu thời tiết… có nhiều khác biệt so với người châu Âu nên thói quen, khả năng thích ứng là khác nhau. Vì thế, nên có đánh giá một cách khoa học chứ không thể nói đổi giờ làm, giờ nghỉ trưa mà năng suất lao động tăng lên.

Học hỏi, áp dụng những tiến bộ trên thế giới luôn là cần thiết nhưng nên có những nghiên cứu, đánh giá khoa học để áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn, khi đó sẽ được đa số người dân ủng hộ./.

Theo An An

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên