Đề xuất thời gian làm việc đủ ngắn để người lao động có thời gian tìm bạn đời
Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như một số vấn đề thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.
- 29-06-2024Người lao động vật vã mưu sinh dưới cái nắng như rang, mặt đường hơn 50 độ C ở Hà Nội
- 10-06-2024"Sư Thích Minh Tuệ" chia sẻ riêng với Báo Người Lao Động về dự định của mình
- 06-04-2024"Sau khi làm điều này, thu nhập của tôi tăng hơn 40%": Xu hướng mới với người lao động và các công ty công nghệ Trung Quốc
Theo thông tin từ báo Người lao động, tại Hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức vào ngày 6/8, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM - đưa ra 11 giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc.
Theo đó, GS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động (công đoàn) cần thống nhất nhận thức và giải pháp để gia đình có 2 người đi làm có đủ thu nhập để nuôi dạy, cho học hành đàng hoàng 2 người con.
Ông cho rằng cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.
Thứ 2, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Thứ 3, cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá cả chấp nhận được, để việc không có nhà không trở thành 1 điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn.
Thứ 4, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con.
Thứ 5, cần thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (trẻ từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi) để cha mẹ có điều kiện làm việc và phát triển ngay cả khi sau sinh và con còn nhỏ. Phát triển hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập để phổ cập tiểu học, trung học cơ sở và phổ cập nghề.
Thứ 6, chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thực sự.
Thứ 7, xây dựng môi trường xã hội thân thiện với trẻ em, người mẹ và gia đình, thể hiện sự trân trọng của xã hội với những người làm tròn trách nhiệm công dân để đất nước phát triển bền vững về lao động và dân số.
Thứ 8, cần dạy về làm vợ, làm chồng hạnh phúc, làm cha mẹ hạnh phúc và xây dựng gia đình hạnh phúc từ bậc học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Cần dạy môn Hạnh phúc học của người Việt Nam ở các bậc học.
Thứ 9, cần phát huy truyền thống văn hóa của người Việt Nam, sáng kiến cộng đồng địa phương để kết hôn và sinh con đem lại hạnh phúc không thể thay thế cho đời người, là niềm tự hào khi làm tròn trách nhiệm công dân.
Thứ 10, Nhà nước có chương trình hỗ trợ thiết thực các cặp vợ chồng vô sinh sinh con.
Thứ 11, các gia đình tự quyết định số con và thời điểm sinh con. Phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản.
Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như một số vấn đề thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm.
Nguyên nhân của mức sinh giảm là do xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn. Tại TP HCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số.
"Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỉ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và duy trì lâu dài"- GS Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo báo điện tử Đại biểu nhân dân, tại buổi dự thảo, không ít ý kiến cho rằng, để giữ vững mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh là 2,1 con) đến năm 2030, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, với những những giải pháp mới, linh hoạt cho từng vùng cụ thể. Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; điều kiện cần là bảo đảm nguồn lực cho chương trình và hoàn thiện về mặt chính sách liên quan tới nội dung này.
Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Dân số và hiện đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách. Đại diện Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, một trong 6 chính sách đang được đưa ra tại dự thảo Luật Dân số là "Duy trì mức sinh thay thế". Nếu như Pháp lệnh Dân số hiện hành quy định, mức sinh thay thế là mức sinh tính bình quân trong toàn xã hội mỗi cặp vợ chồng có 2 con; thì theo dự thảo Luật Dân số, mức sinh thay thế là mức sinh mà bình quân mỗi phụ nữ có 1 con gái sống đến tuổi sinh đẻ, để thay thế mình trong quá trình sinh sản.
Đồng thời, dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất, quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con. Đây được xem là biện pháp quan trọng giúp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Dự thảo Luật cũng quy định các biện pháp linh hoạt để có thể bù trừ mức sinh giữa khu vực có mức sinh thấp và khu vực có mức sinh cao. Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; UBND các tỉnh, thành phố trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Thanh niên Việt