Đề xuất xây đường cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang hơn 8.000 tỷ đồng
Tập đoàn Đèo Cả đưa ra hai phương án cho tuyến cao tốc kết nối Cần Thơ với Hậu Giang, trong đó đề xuất chọn phương án 1 với chiều dài 37km, tổng mức đầu tư hơn 8.027 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả về đề xuất phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đi qua TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) là tuyến giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL, đóng vai trò kết nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong vùng.
Trong số 3 phương án tuyến của đơn vị tư vấn dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Tập đoàn Đèo Cả thống nhất với phương án 3, có tổng chiều dài 124,18km, tổng mức đầu tư 56.790 tỷ đồng và kết nối gần về phía TP Vị Thanh của Hậu Giang. Đây cũng là phương án được UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất với Bộ GTVT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu.
Với phương án như trên, phía Tập đoàn Đèo Cả đưa ra 2 phương án cho đoạn cao tốc kết nối Cần Thơ - Hậu Giang. Phương án 1 có chiều dài 37km, điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu, điểm cuối giao với QL61B vào TP Vị Thanh, tổng mức đầu tư 8.027 tỷ đồng. Phương án 2 có chiều dài 58,4km, điểm đầu giống với phương án 1, điểm cuối tại ranh giới 2 tỉnh Hậu Giang - Bạc Liêu, tổng mức đầu tư hơn 12.540 tỷ đồng.
Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang hiện nay. Ảnh: CK
Theo ông Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đầu tư tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy thống nhất đề xuất giao đơn vị tư vấn tổ chức nghiên cứu, lập phương án tiền khả thi của dự án và giải pháp triển khai đầu tư khai thác hiệu quả dự án...Cả 2 phương án đều có vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/giờ với 4 làn xe cơ giới, giai đoạn hoàn thiện vận tốc thiết kế100km/giờ, mặt đường rộng 24,5m. Tập đoàn Đèo Cả đề xuất chọn phương án 1, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hồi tháng 1 năm nay, UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép là cơ quan chủ trì quản lý đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (QL61C) với tổng mức đầu tư 4.528 tỷ đồng (đoạn qua địa bàn Hậu Giang 3.550 tỷ đồng; đoạn qua TP Cần Thơ 978 tỷ đồng) thuộc Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét giao UBND tỉnh Hậu Giang chủ trì tổ chức thực hiện dự án và chủ động huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch mạng đường bộ quốc gia theo Luật Quy hoạch và đã chỉ đạo các cơ quan liên quan bổ sung tuyến QL61C vào quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt...
Tiền phong