MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất xây một loạt dự án khủng, Geleximco mạnh cỡ nào?

04-10-2016 - 14:23 PM | Doanh nghiệp

Theo ước tính, tổng vốn đầu tư các dự án mà Geleximco đề xuất mới đây có thể lên tới gần 50 tỷ USD...

Geleximco , 4 dự án và 50 tỷ USD

Mới đây, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam.

Theo đó, Geleximco và HUI đề xuất tham gia một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và Tp.HCM đến Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo ước tính, tổng vốn đầu tư các dự án nêu trên có thể lên tới gần 50 tỷ USD. Hiện chưa rõ mức độ góp vốn, sự tham gia của Geleximco - HUI ở mức độ nào.

Ông Vũ Văn Tiền cho biết đây mới là ý tưởng huy động vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông Việt Nam sau chuyến đi Hồng Kông mới đây.

Được biết, HUI là doanh nghiệp của Hồng Kông có tên là Công TNHH Hong Kong United Investors Holding. Công ty này mới được thành lập hồi đầu năm 2016, có trụ sở tại một căn hộ tại đường Queen Central. Công ty có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, chuyên ngành xây dựng, đường sắt, đường bộ và hoàn thiện các công trình xây dựng.

Để chuẩn bị lộ trình đầu tư tại Việt Nam, HUI đã thành lập Công ty TNHH MTV Hong Kong United Investoer Holding Việt Nam vào ngày 15/8/2016 mới đây. Đặc biệt, trụ sở công ty con này được đặt tại tòa nhà 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) của Geleximco Tổng giám đốc là ông Gao Xiang Ping, sinh năm 1969, quốc tịch Trung Quốc, và hiện sống tại tòa nhà Geleximco 36 Hoàng Cầu.

Geleximco mạnh cỡ nào?

Geleximco được biết đến là một tập đoàn đa ngành hoạt động trong bốn mảng chính bao gồm hạ tầng và bất động sản, tài chính- ngân hàng, công nghệ thông tin và sản xuất công nghiệp.

Được thành lập năm 1993 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 2,5 tỷ đồng, sau 23 năm, vốn của công ty đã tăng tới 2.400 lần, đạt 6000 tỷ đồng, với độ ngũ cán bộ, công nhân viên lên tới 6.000 người, sở hữu 30 công ty con và công ty liên kết hoạt động trên địa bàn cả nước.

Trong mảng tài chính ngân hàng và bất động sản, Geleximco gắn liền với hương hiệu “An Bình”, trong đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) là cái tên nổi bật nhất. Trải qua 20 năm hoạt động, ABBank đã đưa vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên gần 5.320 tỷ đồng. Hiện nhóm Geleximco đang nắm khoảng gần 16% vốn điều lệ ngân hàng, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco cũng đang giữ vị trí quyền lực nhất tại ngân hàng này.

Ngoài ABBank, một số các thành viên khác của Geleximco cũng mang thương hiệu này bao gồm CTCP Ngôi sao An Bình (ABSC), CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính An Bình (ABFG), CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán An Bình, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), CTCP Bất động sản An Bình (ABLand).

Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco cũng là một trong những “ông lớn” sở hữu nhiều dự án khủng với mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco được xây dựng tại huyện Hoài Đức và quận Hà Đông, Hà Nội, có diện tích 135 ha và quy mô dân số ước tính khoảng 26.069 người. Nguồn vốn của dự án do Geleximco đầu tư toàn bộ với tổng mức đầu tư tới 3.000 tỷ đồng. Khu đô thị được quy hoạch bao gồm các công trình công cộng, công trình văn hoá, thể dục thể thao, công viên cây xanh, khu vui chơi, giải trí, nhà ở,…

Ngoài ra, Geleximco còn bắt tay với Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới dầu khí - Geleximco với tổng mức đầu tư lên đến 10.322 tỷ đồng. Dự án có quy mô diện tích 192,37 ha, thuộc hai xã Đông La và La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Khu đô thị sinh thái Đồng Trúc - Ngọc Liệp - Geleximco với tổng diện tích 250,61 ha thuộc trung tâm sinh thái Quốc Oai, nằm trong chuỗi đô thị Hà Nội - Hòa Lạc - Hòa Bình dọc 2 bên tuyến đường cao tốc Láng - Hòa Lạc – Thành phố Hòa Bình. Dự án do Geleximco làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 5.771 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 sẽ chính thức hoàn thành.

Đặc biệt, “đại gia” địa ốc này còn từng tham ra vào dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình. Đây được xem là công trình đổi đất lấy hạ tầng lớn nhất khu vực phía Bắc ở thời điểm đó với tổng mức đầu tư lên tới khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2013 Geleximco bất ngờ xin rút lui khỏi dự án này. Theo lý giải từ phía công ty, do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên công ty sẽ rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp đang trở thành mũi nhọn của Geleximco khi doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào rất nhiều dự án lớn như Nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Tuyên Quang), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh)…

Trong lĩnh vực năng lượng, Geleximco có nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, có công suất 620 MW, là dự án nhiệt điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ. Nhà máy Nhiệt điện này có tổng diện tích 124,44 ha với tổng mức đầu tư lên tới hơn 22.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Giấy An Hòa được xây dựng trên diện tích 223 ha tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Dây chuyền bột giấy có công suất 130.000 tấn/năm, với công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF), hệ thống thiết bị hiện đại, mới 100%, trong đó các thiết bị chính do hãng Metso sản xuất tại Thụy Điển và Phần Lan.

Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, Geleximco tham gia xây dựng và vận hành 3 nhà máy gồm Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy Xi măng An Phú.

Trong lĩnh vực công nghệ, Geleximco hiện đang nắm gần 14% cổ phần CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC, ông Vũ Văn Tiền cũng đang giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT công ty này.

CMG có vốn điều lệ hơn 673 tỷ đồng, tiền thân là Trung tâm ADCOM, thuộc viện công nghệ vi Điện tử, viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thành lập năm 1991. Các sản phẩm dịch vụ chính của CMG bao gồm tích hợp hệ thống, dịch vụ phần mềm, viễn thông – Internet và sản xuất - phân phối các sản phẩm ICT.

Với mạng lưới các công ty con, công ty liên kết dày đặc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã giúp Geleximco đa dạng hóa danh mục đầu tư. Dù không công bố kết quả kinh doanh hàng năm nhưng nhìn vào những dự án tập đoàn này đang đầu tư cũng có thể thấy tiềm lực của đại gia vốn rất kín tiếng này.

Mặc dù vậy, Geleximco vẫn chỉ là một doanh nghiệp mang "tầm quốc gia". Với những dự án với số vốn đầu tư lên tới 50 tỷ USD mà doanh nghiệp này vừa đề xuất, có lẽ sẽ cần thêm nhiều đối tác tiềm lực và cả sự tính toán kỹ lưỡng để không đi vào "vết xe đổ" từ dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình trước đó.

Theo Trần Thúy

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên