Đến 2030, mỗi quận huyện sẽ có tối thiểu 1 đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ
Theo quy hoạch mà Chính phủ vừa phê duyệt, đến năm 2030, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- 11-04-2023Công an Hà Nội đề xuất 6 giải pháp gỡ ‘nút thắt’ về PCCC
- 16-03-202352 tỉnh thành xuất hiện trò lừa đảo giả danh cảnh sát PCCC
- 24-02-2023Hà Nội công khai 100% các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC
Ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định 819 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển hạ tầng PCCC đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện nước ta, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, với một số nội dung cụ thể.
"Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu một đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ", quyết định nêu rõ.
Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến 2030, mỗi quận huyện sẽ có tối thiểu 1 đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Chính phủ yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ PCCC và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Chính phủ yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước PCCC, bảo đảm yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác này.
Việt Nam cũng sẽ phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu PCCC; từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ tai nạn, sự cố.
Chính phủ lưu ý việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; hiện đại hóa hạ tầng thông tin, hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố...
Quyết định 819 nêu rõ quy hoạch hạ tầng PCCC đến năm 2030 gồm: Phân vùng hạ tầng PCCC; phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC; phương hướng phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; phương hướng phát triển hệ thống giao thông phục vụ PCCC; phương hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.
Trong đó, quy hoạch hạ tầng về PCCC được phân thành 6 vùng; mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.
Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng PCCC (mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình; hệ thống thông tin liên lạc) cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 là khoảng 89.332 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ.
Cùng với đó là nguồn thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách Nhà nước.
VTC News