“Đèn cạn dầu” ở một kênh chỉ báo dòng tiền
Dù vậy, đây có thể mới chỉ là diễn biến mang tính ngắn hạn và thời điểm.
- 02-03-2021Chính phủ dự kiến tăng vay qua kênh trái phiếu
- 25-02-2021Trái phiếu Chính phủ tiếp tục “ế”
Như thông tin BizLIVE đề cập vừa qua , ngày 03/02, Kho bạc Nhà nước tổ chức gọi thầu 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhưng chỉ huy động được 80 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu theo đó thấp kỷ lục, chỉ với 1,3%; trong đó loại kỳ hạn 10 và 15 năm thất bại hoàn toàn.
Ở phiên đó, bối cảnh được chú ý. Thị trường và hoạt động ngân hàng bước vào kỳ cao điểm thanh toán và chi trả cận Tết Nguyên đán; yếu tố nguồn theo đó có phần kém thuận lợi. Với các ngân hàng thương mại (NHTM) - nhóm đối tượng chính tham gia đấu thầu TPCP, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục bơm ròng hỗ trợ cân đối nguồn qua thị trường mở (OMO).
Song song, lãi suất trên các thị trường cũng đã thay đổi lớn. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND các kỳ hạn ngắn đã tăng đột biến gấp hơn chục lần so với trước đó; như lãi suất qua đêm từ chỉ 0,15 - 0,17%/năm đột biến vượt mốc 2,5%/năm. Cơ hội kinh doanh hấp dẫn, dù ngắn hạn, mở ra với các đầu mối có nguồn thuận lợi.
Mùa cao điểm thanh toán và chi trả đã qua. Các thị trường trở lại giao dịch. Tuy nhiên, ở kênh đấu thầu TPCP, hiện tượng "đèn cạn dầu" tiếp tục thể hiện, với những thất bại nối tiếp. Với kết quả và hiện tượng này, dòng tiền tạm thời đã không còn dồi dào và hậu thuẫn lớn cho kênh này như trước.
Cụ thể, trong phiên đấu thầu TPCP ngày 17/02, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động thành công 2.800/6.000 tỷ đồng gọi thầu; tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 47%. Trong đó, kỳ hạn 20 năm và 30 năm đấu thầu thất bại.
Tiếp tục, ngày 24/02, Kho bạc Nhà nước cũng chỉ huy động thành công 635/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu; tỷ lệ trúng thầu nhỉnh hơn 10%; kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại.
Gần hơn, ngày 03/3 vừa qua, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động thành công 810/6.250 tỷ đồng TPCP gọi thầu; tỷ lệ trúng thầu lại rơi xuống chỉ 13%.
Điểm chung, các tuần vừa qua Kho bạc Nhà nước chỉ lựa tạo cung quanh 6.000 tỷ đồng TPCP đấu thầu như một bước thăm dò trong tháng Giêng, thay vì hàng chục nghìn tỷ đồng và thậm chí tổ chức đầu thầu bổ sung như trong năm 2020. Tỷ lệ trúng thầu dưới 50% có thể xem là thất bại, mà như trên nhiều phiên chỉ đạt quanh 10%.
Hiện tượng "đèn cạn dầu" này đặt trong thời điểm thị trường vừa trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau mùa cao điểm và kỳ nghỉ lễ dài, yếu tố nguồn chưa lấy lại trạng thái thuận như trước Tết. Và thông thường trong quý đầu năm những năm gần đây, hoạt động đấu thầu TPCP thường khá èo uột, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp và thất bại liên tục như trên là đáng chú ý.
Có một điểm quan trọng liên quan. Từ đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã không tạo nguồn tiền cung ứng trực tiếp và tức thời qua mua vào ngoại tệ giao ngay như trước. Nhà điều hành chính sách tiền tệ đã chuyển qua mua ngoại tệ kỳ hạn, với kỳ hạn lên tới 6 tháng, tức phải đến giữa năm nay mới lần lượt đáo hạn và cụ thể hóa (chưa kể cơ chế cho phép có hủy ngang trong giao dịch này).
Trong năm 2019 và 2020, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì phương thức mua ngoại tệ giao ngay quy mô rất lớn; nguồn VND cung ứng qua kênh này từng được giới chuyên môn ước tính lên tới khoảng 500 nghìn tỷ đồng chỉ riêng năm 2019, chưa kể năm 2020, đưa ra tức thời theo hoạt động mua ngoại tệ.
Đặc biệt là, khi đại dịch Covid-19 xẩy ra ngay đầu năm 2020, kéo dài cả năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước không thực hiện hút bớt và trung hòa bớt lượng tiền cung ứng mua ngoại tệ rất lớn đó qua phát hành tín phiếu như thường thấy những năm trước. Theo đó, "nhã ý nới lỏng" ở đây là một mạch chính năm qua, tạo điều kiện để giảm lãi suất, tạo nguồn hỗ trợ nền kinh tế…
Đến năm nay cũng vậy. Cho đến thời điểm này thị trường vẫn chưa ghi nhận Ngân hàng Nhà nước hút bớt tiền về qua phát hành tín phiếu (ngoại trừ hơn 26.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nguồn ngắn hạn qua OMO dịp Tết vừa rồi đã đáo hạn, "hút ròng" trong tuần qua).
Tuy nhiên, như trên, kênh mua vào ngoại tệ giao ngay và tạo VND cung ứng ngay đã ngừng, chuyển sang kỳ hạn với 6 tháng.
Một yếu tố nữa, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn đang rất hấp dẫn so với quãng kéo dài "kỷ lục tiền rẻ" trong năm 2020. Lãi suất qua đêm, các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng vẫn đang cao khoảng gấp đôi so với cuối năm ngoái.
Như vậy, các kênh kinh doanh vốn trên liên ngân hàng của các NHTM, ở kênh đấu thầu TPCP đã có thay đổi lớn, chưa lấy lại trạng thái như cuối năm 2020. Tuy nhiên, đây mới chỉ là diễn biến ngắn hạn, nhất là vừa mới qua mùa cao điểm cận Tết. Nhưng, về lộ trình, quý 1 của năm nay đang dần trôi qua, Kho bạc Nhà nước vẫn đang liên tục thất bại trong đầu thấu.
Đáng chú ý, năm nay kế hoạch đấu thầu đang đặt ra tham vọng hơn nữa so với năm 2020. Cụ thể, Kho bạc Nhà nước vừa công bố tổng mức phát hành TPCP năm 2021 lên tới 350.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng sau năm đột biến vừa qua.
Trong năm vừa qua, ban đầu Kho bạc Nhà nước lên kế hoạch phát hành tổng 260.000 tỷ đồng. Nhưng với thuận lợi về nguồn, dòng tiền đổ xô vào tham gia đấu thầu và chi phí dễ chịu (lãi suất thấp kỷ lục), quy mô này đã được bổ sung, nâng lên và chốt năm phát hành tới gần 324.000 tỷ đồng, vượt cả 8% kế hoạch sau điều chỉnh.
Năm nay, với kế hoạch 350.000 tỷ đồng, sau loạt thất bại vừa qua, cũng như quý 1 sắp trôi qua, như thường thấy những năm trước, nhiều khả năng Kho bạc Nhà nước sẽ đẩy mạnh quy mô và tần suất phát hành thời gian tới để bám tiến độ kế hoạch. Theo đó, diễn biến ở kênh này, hiện tượng "đèn cạn dầu" sớm kết thúc hay không, hoặc lãi suất nếu phải tăng lên, sẽ là điểm tiếp tục được chú ý.
BizLIVE