Đến lượt một quốc gia Nam Mỹ khác tuyên bố tạm dừng xuất khẩu đậu nành, nguy cơ làm chao đảo thị trường toàn cầu
Chính phủ Argentina đã ra quyết định tạm dừng hoạt động xuất khẩu dầu đậu nành và bột đậu nành. Đây là nguồn cung lớn mà nhiều nước Đông Nam Á đang phụ thuộc vào.
- 06-03-2022Nga dự định ngừng xuất khẩu phân bón giữa lúc giá lương thực thế giới tăng vọt
- 16-02-2022Không chỉ giá dầu, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá lương thực thế giới tăng mạnh
- 01-02-2022Loại cây trông giống chuối này có thể là lời giải cho bài toán lương thực của hàng trăm triệu người trong tương lai gần
Theo Reuters, chính phủ Argentina hôm 14/3 tuyên bố hôm sẽ tạm dừng xuất khẩu đậu nành và bột đậu nành. Ngay lập tức, thông tin thu hút sự quan tâm lớn từ ngành công nghiệp xuất khẩu các sản phẩm đậu nành chế biến trên thế giới.
Argentina cho biết sẽ ngừng bán và xuất khẩu đậu nành của niên vụ 2021/22. Quyết định của Argentina, quốc gia xuất khẩu các sản phẩm đậu nành hàng đầu thế giới, có thể sẽ làm chao đảo thị trường đậu nành thế giới, vốn đã chứng kiến giá cả tăng mạnh sau khi Nga tấn công Ukraine.
Giá đậu nành kỳ hạn của Mỹ đã tăng hơn 2,2% ngay sau thông báo của Argentina, trong khi giá dầu đậu nành kỳ hạn giảm 1,26%.
Theo cơ quan vận tải NABSA, xuất khẩu trung bình hàng tháng của Argentina đạt 1,5 triệu tấn bột đậu nành và 300.000 tấn dầu đậu nành vào năm 2021.
Trong khi đó theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), quốc gia này được dự báo sẽ chiếm 41% lượng xuất khẩu bột đậu nành toàn cầu và 48% sản lượng xuất khẩu dầu đậu nành thế giới trong niên vụ 2021-22.
Trước đó, dữ liệu của chính phủ Argentina cho thấy khoảng 5 triệu tấn dầu đậu nành và các sản phẩm phụ từ đậu nành khác đã được đăng ký chính thức để xuất khẩu. Nguyên nhân dẫn đến việc Argentina tạm dừng xuất khẩu đậu nành, theo Cơ quan Chế biến và Xuất khẩu hạt có dầu Argentina (CIARA, đại diện cho ngành công nghiệp), vì cơ quan này cáo buộc chính phủ muốn tăng "hai điểm" thuế quan đối với hàng xuất khẩu.
Phát biểu trên Twitter, hội đồng cho biết: "Nó hoàn toàn trái ngược với lợi ích xuất khẩu của Argentina. Ngoài việc bất hợp pháp, nó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập ngoại tệ và việc làm trong chuỗi chế biến nông nghiệp".
Tuyên bố của chính phủ không đề cập đến thuế xuất khẩu mặc dù đây là vấn đề căng thẳng từ lâu với nông dân và các nhà xuất khẩu. Chính phủ đang phải đối mặt với các khoản nợ cao, cần thu nhập bằng đồng đô la và thu nhập từ thuế từ việc bán đậu nành - mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Argentina.
Dầu đậu nành và bột xuất khẩu của Argentina hiện bị đánh thuế 31%. Vụ đậu nành năm 2021/22 của nước này ước tính đạt khoảng 40 - 42 triệu tấn, mặc dù đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán vào đầu năm.
Các nhà kinh doanh đậu nành cho biết việc ngừng cung cấp đột ngột của Argentina sẽ khiến các nhà nhập khẩu hướng đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Brazil để tìm nguồn cung thay thế.
"Người mua không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm tiêu thụ hoặc tìm đến các nguồn cung cấp thay thế", một thương nhân ở Singapore cho biết.
"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu đối với khô dầu đậu nành của Mỹ sẽ cao hơn. Ở Đông Nam Á, những người mua như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung của Argentina".
Về phía Việt Nam, Argentina không phải là thị trường nhập khẩu chính. Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Mỹ và Brazil; riêng 2 thị trường này đã chiếm 90% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Mỹ trong tháng 1/2022 tăng mạnh trên 38% cả về lượng và kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 0,2% so với tháng 12/2021, đạt 93.606 tấn, tương đương 55,99 triệu USD, giá 598,2 USD/tấn, chiếm 50% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước; nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng giảm mạnh cả về lượng, kim ngạch với mức giảm tương ứng 30%, 17,9%, tuy nhiên giá tăng 17,3%.
Ngược lại, nhập khẩu từ thị trường Brazil trong tháng 1/2022 lại sụt giảm mạnh 44% về lượng và giảm 41% về kim ngạch nhưng tăng 5,3% về giá so với tháng 12/2021, đạt 73.134 tấn, tương đương 44,97 triệu USD, giá 614,8 USD/tấn, chiếm 40% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Tham khảo: Reuters