MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD

Hạ tầng phát triển GDP bình quân đầu người tăng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Ảnh: Như Ý

Hạ tầng phát triển GDP bình quân đầu người tăng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Ảnh: Như Ý

Chiều 9/1, với trên 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Bên cạnh đó, nghị quyết nhấn mạnh đến việc phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Về xã hội, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); quy mô dân số đạt khoảng 105 triệu người. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Trong giai đoạn 2031 - 2050, Nghị quyết đưa ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%...

Về phân vùng kinh tế - xã hội, nghị quyết nêu rõ sẽ tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội; xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn.

Tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định: “Việc đặt mục tiêu đô thị hóa Việt Nam đến năm 2050 đạt từ 70- 75% là phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như xu thế của thế giới”.

Công khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, dự thảo luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán; đồng thời giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chưa rõ vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Có ý kiến khác cho rằng, cần kết nối liên thông phù hợp với một số luật trong thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đấu thầu.

Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật này đã chỉnh lý theo hướng Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về Hội đồng Y khoa Quốc gia, dự thảo luật quy định đây là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng; quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên