MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ BIDV: Trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, ông Trần Anh Tuấn tiếp tục điều hành HĐQT nhiệm kỳ mới

22-04-2017 - 09:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ đông BIDV đã thống nhất bầu 10 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó có 2 gương mặt mới là ông Bùi Quang Tiên đến từ Vụ thanh toán NHNN và ông Lê Việt Cường.

Sáng nay 22/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017.

Kế hoạch lãi trước thuế 7.750 tỷ

Theo báo cáo được trình bày tại đại hội, năm 2016, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 940.000 tỷ, trong đó từ thị trường 1 đạt gần 800.000 tỷ, tăng 21,1% so với năm trước và chiếm 12,5% thị phần toàn ngành. Riêng huy động vốn không kỳ hạn của BIDV chiếm tỷ trọng 17,2% tổng tiền gửi khách hàng.

Về cơ cấu hoạt động, ngân hàng dịch chuyển tích cực theo hướng gia tăng ở phân khúc bán lẻ và khách hàng SME. Tín dụng chung được kiểm soát chặt với tỷ lệ nợ xấu 1,95% trên tổng dư nợ.

Dù điều kiện môi trường kinh doanh còn khó khăn song ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 7.700 tỷ, tăng 3,2% so với năm trước. Tỷ lệ ROE đạt 14,7% và tỷ lệ cổ tức ở mức 7% bằng tiền mặt.

Đáng chú ý, cổ phiếu của BIDV ghi nhận mức thanh khoản cao nhất trong nhóm các ngân hàng cổ phần Nhà nước với bình quân 1,4 triệu cp/phiên, trong khi bình quân cổ phiếu ngân hàng là 778 nghìn cp/phiên.

Các công ty con của ngân hàng cũng đóng góp nhiều kết quả tích cực, trong đó công ty chứng khoán BSC góp 125 tỷ đồng lợi nhuận – nằm trong top 10 thị phần môi giới cổ phiếu và top 3 về môi giới trái phiếu; Bảo hiểm BIC đạt lợi nhuận 169 tỷ; công ty tài chính BLC chuyển đổi mô hình sang liên doanh giữa BIDV và đối tác Nhật; công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ Metlife nằm trong nhóm 10 công ty bảo hiểm nhân thọ có doanh thu cao phí cao nhất.

Kế hoạch năm 2017, ngân hàng đề ra chỉ tiêu huy động vốn tăng 16,5% và tín dụng tăng trưởng không quá 16%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.750 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 7% và không thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.

Tăng vốn lên trên 38.000 tỷ

BIDV cũng dự tính tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm nay, từ 34.187 tỷ đồng hiện tại lên 38.632 tỷ đồng. Phương thức tăng vốn dự kiến sẽ tiến hành qua 3 đợt bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng.

Bầu nhân sự nhiệm kỳ mới

Theo kế hoạch, hôm nay đại hội sẽ bầu thay thế 2 thành viên HĐQT là ông Đặng Xuân Sinh và ông Tô Ngọc Hưng. Ông Đặng Xuân Sinh sẽ nghỉ hưu theo chế độ và ngân hàng giới thiệu ông Bùi Quang Tiến, hiện là Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN thay thế cho ông Sinh, và ông Lê Việt Cường sẽ thay thế ông Tô Ngọc Hưng.

Ngoài ra đại hội lần này cũng dự kiến có chủ tịch chính thức của ngân hàng, sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ tháng 4 năm ngoái và hiện mới chỉ có người thay điều hành HĐQT chứ chưa có chủ tịch chính thức.

Trong 10 cái tên được đề cử vào HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022 có đến 8 cái tên giữ nguyên như nhiệm kỳ cũ, bao gồm:

1. Ông Trần Anh Tuấn

2. Ông Phan Đức Tú

3, Ông Trần Thanh Vân

4. Ông Nguyễn Huy Tựa

5. Bà Lê Thị Kim Khuyên

6. Bà Phan Thị Chinh

7. Ông Ngô Văn Dũng

8. Ông Nguyễn Văn Lộc.

Có 2 cái tên mới là ông Bùi Quang Tiên và ông Lê Việt Cường.

Còn Ban kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022 vẫn là 3 cái tên của nhiệm kỳ cũ được giới thiệu để bầu cử, gồm:

1. Bà Võ Bích Hà

2. Ông Cao Cự Trí

3. Bà Nguyễn Thị Tâm.

10h20, đại hội bước vào phần thảo luận

Cổ đông Đặng Đình Hiệp có 5 câu hỏi:

1/ Để đảm bảo cho BIDV là một trong 5 Ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam về đạt chuẩn Basel 2, tiến tới Chuẩn Basel 3, thì ngay trong năm 2017, và 3 năm sau đó cần phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với giá bình quân, hợp lý trong từng đợt vừa có lợi cho Nhà nước, các Cổ đông tổ chức, cá nhân.

2/ Cần sớm tìm được Cổ đông chiến lược là Định chế Tài chính nước ngoài đang rất gắn bó, mong muốn hợp tác có Hiệu quả, cùng có lợi với Việt Nam, BIDV (với mức giá cổ phần bán cho họ với giá vừa phải, hợp lý, có lợi cho cả các bên). Giá không quá cao, mà nhanh chóng cần triển khai mọi điều kiện thuận lợi nhất, vững chắc nhất cho các doanh nghiệp XNK, các Start-up Việt Nam tiến vào thị trường nước bạn và ra thế giới; tranh thủ sử dụng chất xám của nguồn Nhân lực cấp cao của Cổ đông Chiến lược nước ngoài, áp dụng công nghệ Ngân hàng Mới, An toàn theo hướng phát triển công nghệ 4.0 của thế giới.

3/ Cần sớm đưa ra Lộ trình cụ thể về Giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước đối với các Định chế Tài chính nói chung và BIDV nói riêng từ mức hiện nay (khoảng 95% Vốn Điều lệ) xuống còn 70% - 65% - 51%.

4/ Chia cổ tức năm 2016 chắc chắn bằng tiền mặt là 7%, trả trong tháng 5/2017.

5/ Nhất trí với các số liệu đã đưa ra trong các Báo cáo đã được Kiểm toán xác nhận, các Phương án, Kế hoạch Kinh doanh trong năm 2017 và các năm tiếp sau.

Ông Phan Đức Tú trả lời: Việc tăng vốn là rất khó và BIDV đang nỗ lực cao nhất để tăng được vốn trong năm nay.

Về cổ đông chiến lược, ngân hàng cũng rất mong muốn tìm kiếm. Trong 4 năm qua BIDV đã hợp tác với các định chế tài chính tại các nền kinh tế đẳng cấp. Hiện BIDV cũng đang hợp tác với một đối tác Nhật Bản. Trong quá trình triển khai, BIDV đã hợp tác với đối tác này triển khai các dịch vụ, trong đó mới đây đã thành lập một liên doanh.

Về giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, BIDV đang có room gần 30% để giảm tỷ lệ sở hữu xuống tối đa 65% theo kế hoạch của Nhà nước. Mục tiêu của ngân hàng là xuống 65% và nếu xuống sâu hơn thì phải xin ý kiến của Nhà nước.

Về chia cổ tức, BIDV chưa nhận được văn bản yêu cầu của Bộ Tài chính vì đó là cổ đông lớn nhất. Nếu nhận được yêu cầu thì BIDV sẽ chia cổ tức 7% tiền mặt trong quý 2.

Về bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, rất khó để bán giá thấp hơn giá thị trường trong khi nhà đầu tư mua lô lớn thì họ lại muốn mua giá thấp. Trong việc bán, ngân hàng đòi hỏi họ phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian, nhưng lại muốn bán giá như giá bán lẻ trên sàn niêm yết là rất khó, cái khó chung cho toàn bộ ngân hàng chứ không riêng gì BIDV.

Cổ đông thứ 2 hỏi: Trong việc phát hành riêng lẻ tại sao lại phát hành cho 20 nhà đầu tư trở xuống, trong khi quy định hiện hành là 100 nhà đầu tư, làm như vậy có giới hạn nhà đầu tư tiếp cận ngân hàng không? Giá phát hành cần đưa ra tối thiểu là bao nhiêu chứ không chỉ nói chung chung? Cơ sở nào để ngân hàng nói chia cổ tức không thấp hơn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng? Số lượng nhân viên rất nhiều nên quỹ khen thưởng và quỹ lương rất nhiều, nếu so với Vietcombank, họ tăng có 6% nhân sự nhưng lợi nhuận của họ tăng đến hơn 20%, ngân hàng cần nhìn lại và có giải pháp cho điều này?

Lãnh đạo BIDV ông Trần Xuân Hoàng trả lời: Nhân sự BIDV hiện là hơn 22.000 người. Nhân sự tăng nhanh là do tiếp nhận sáp nhập toàn bộ hệ thống MHB với gần 4.000 người. Phần còn lại tăng không quá 3% lao động/năm. Đó là gánh nặng của ngân hàng nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành. Và việc này cũng thể hiện tốc độ tăng lao động với tốc độ tăng lợi nhuận.

Thu nhập thuần của BIDV là hơn 16.500 tỷ trong khi Vietcombank chỉ 9.000 tỷ, VietinBank trên 10.000. Nhưng vì BIDV phải tăng cường năng lực tài chính nên phải tăng trích lập dự phòng tới hơn 9.000 tỷ. Hiện BIDV có quỹ dự phòng hơn 16.000 tỷ, với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% thì BIDV đang hoàn toàn đủ năng lực để xử lý kể cả trường hợp xấu nhất là không thu hồi được nợ xấu.

Về phát hành riêng lẻ, theo quy định là không phát hành thấp hơn mệnh giá.

Về cổ tức, phát hành cổ phiếu tăng vốn và tìm nhà đầu tư nước ngoài rất khó, 2 năm qua không tăng được vốn. Việc phát hành ESOP 6 tháng vẫn chưa được duyệt của NHNN. Điều này cũng có trách nhiệm của nhà đầu tư.

Việc cổ tức chẳng ai trả theo thị giá mà phải theo mệnh giá và tỷ lệ 7% là theo mệnh giá, và ngân hàng làm đúng luật và thông lệ.

Việc tìm kiếm nhà đầu tư để phát hành riêng lẻ vì sao lại chỉ 20 nhà đầu tư trở xuống vì chúng tôi muốn gói gọn lại để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, giảm các thủ tục...

Cổ đông Thanh Thủy: Kết quả kinh doanh quý 1 ra sao. Nếu không tăng vốn được theo kế hoạch thì có phương án nào không?

Ông Phan Đức Tú trả lời: Tín dụng đạt tăng trưởng hơn 4%, huy động vốn tăng 3,15% - tương đương cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 27% so với kế hoạch đề ra. Kết quả kinh doanh đạt đúng theo lộ trình đề ra. Nếu cổ đông thông qua kế hoạch thì ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu.

Trường hợp tăng vốn, nếu không tăng được thì sao. Nếu thế thì phải cấu trúc lại các tài sản có, cấu trúc lại tài sản có rủi ro, dài hạn chênh lệch lớn để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn yêu cầu của Nhà nước. Chúng tôi đã dự tính, nếu không phát hành đủ hơn 4.400 tỷ thì sẽ cấu trúc ra sao, nếu tăng vượt thì sao, ngân hàng đã tính toán đầy đủ các phương án.

Cổ đông: Cổ tức phải trả theo tỷ lệ tăng dần, giá cổ phiếu cần phải tăng lên, không phải 17.000 hay 18.000 mà trên 20.000 đồng. Các doanh nghiệp họ thường có lãnh đạo mua vào cổ phiếu, người nhà của họ mua vào cổ phiếu làm tăng niềm tin cho nhà đầu tư và họ chẳng có lý do gì mà không mua vào, tại sao BIDV không làm thế?

Phó TGĐ Trần Phương trả lời: Khi đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư cần phải theo dõi các chỉ số như là EPS… Nếu so với các ngân hàng như ACB, Vietcombank thì BID vẫn còn có room tăng rất lớn.

Chỉ số giá trên thu nhập càng cao thì đàm phán với đối tác chiến lược càng gặp thách thức. Đặc biệt nhà đầu tư chiến lược có khung thời gian 5 năm, có vị trí trong HĐQT, nếu theo quy định thì phần đầu tư này được đánh giá đầy đủ vào cuối kỳ báo cáo tài chính.

Còn đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ hơn và không có vị trí trong HĐQT, theo quy định kế toán là phải đánh giá theo thị giá hàng quý, nếu thị giá càng cao khi chào bán thì nhà đầu tư rất ngần ngại trả giá. Đây cũng là khó khăn khi BIDV đàm phán với đối tác nhà đầu tư tài chính.

Về việc ban lãnh đạo mua vào thì đây là khuyến nghị rất hay. Hơn ai hết ban lãnh đạo hiểu về hoạt động của ngân hàng và chúng tôi sẽ có kế hoạch thời gian tới.

Về lộ trình cổ tức, chúng ta có khung đến 2018 và 2020 lần lượt đáp ứng các tiêu chuẩn basel 2. Phần vốn sẽ cần nhiều hơn so với vốn hiện tại, không chỉ phòng ngừa rủi ro tín dụng mà phải đáp ứng phòng ngừa rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp, tức quy mô vốn tăng lên thì các chỉ số về hiệu quả như ROE sẽ chịu áp lực lớn hơn.

Cổ đông hỏi: CAR hiện nay là bao nhiêu, nếu theo basel 2 thì bao nhiêu?

Ông Xuân Hoàng trả lời: Cuối năm 2016 là 10,15%, hiện cũng đáp ứng theo yêu cầu.

11h đại hội bước vào biểu quyết các tờ trình

Chủ tọa đoàn cho biết vừa nhận được văn bản của Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức tiền mặt, do vậy cổ đông sẽ biểu quyết trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7%.

Tất cả các tờ trình được cổ đông thông qua, chỉ có 1 cổ đông không nhất trí.

12h30, đại hội công bố kết quả bầu cử

Trong số 10 ứng viên vào HĐQT, ông Phan Đức Tú là người nhận được số phiếu bầu cao nhất (100,05%), ông Trần Anh Tuấn nhận số phiếu bầu cao thứ 2 (99,94%). Các ứng viên còn lại cũng đạt tỷ lệ phiếu bầu trên 99%.

HĐQT nhiệm kỳ mới đã họp và bầu ông Trần Anh Tuấn đảm nhận vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT BIDV. Ông Phan Đức Tú tiếp tục được bầu vào vị trí Tổng Giám đốc.

Các ứng viên vào BKS cũng được bầu với tỷ lệ rất cao.

Danh sách HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022 gồm:

1. Ông Trần Anh Tuấn - ủy viên phụ trách HĐQT

2. Ông Phan Đức Tú - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc

3, Ông Trần Thanh Vân

4. Ông Nguyễn Huy Tựa

5. Bà Lê Thị Kim Khuyên

6. Bà Phan Thị Chinh

7. Ông Ngô Văn Dũng

8. Ông Nguyễn Văn Lộc

9. Ông Bùi Quang Tiên

10. Ông Lê Việt Cường.

Các thành viên BKS gồm:

1. Bà Võ Bích Hà

2. Ông Cao Cự Trí

3. Bà Nguyễn Thị Tâm.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên