MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ BSI: Nới room cho khối ngoại lên 49%, BIDV có thoái vốn?

Nhiều CTCK nới room cho khối ngoại lên 100% nhưng kế hoạch nới room cho khối ngoại của BSC chỉ là 49%. Ngân hàng BIDV đang nắm 88% vốn cổ phần tại đây.

Ngày 23/04/2016, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã: BSI) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016.

Trong năm 2015, BSC đạt 465,3 tỷ đồng tổng doanh thu và 101,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả nay, BSC chính thức hết lỗ lũy kế.

Về phương án phân phối lợi nhuận, với 101 tỷ lợi nhuận năm 2015 để phân phối, BSI dùng 97 tỷ để bù đắp lỗ lũy kế. Sau khi trích lập các quỹ và thù lao HĐQT, BSI quyết định không trích quỹ khen thưởng phúc lợi cũng như không chia cổ tức. Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ được sử dụng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh.

Dự báo có nhiều khó khăn, BSI đặt kế hoạch cho năm 2016 khá thận trọng với doanh thu 330,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 75 tỷ đồng – giảm mạnh so với năm trước. BSC cũng dự kiến tỷ lệ cổ tức là 5% và thị phần môi giới chứng khoán khoảng 3,9%.

Theo ông Lê Quang Huy – Phó Tổng giám đốc của BSC, sự cạnh tranh giữa các CTCK càng lúc càng trở nên gay gắt thông qua hình thức giảm phí, đầu tư đội ngũ nhân sự… Sự phân hóa giữa các công ty top đầu với các công ty còn lại ngày càng mạnh mẽ trong khi BSC có sự giới hạn về quy mô vốn so với các đối thủ khiến cho công ty hạn chế năng lực trong dịch vụ cho vay ký quỹ và sắp tới là chứng khoán phái sinh.

Đối với mảng tư vấn, có sự trở lại của một số CTCK sau khi bỏ qua mảng này một thời gian dài dựa trên lợi thế của Ngân hàng mẹ. Điều này buộc BSC phải tìm một hướng đi mới trong giai đoạn sắp tới.

Năm 2016, BSC sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, bao gồm tất cả các hoạt động như kinh doanh chứng khoán phái sinh; cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký làm thành viên tạo lập thị trường trên TTCK phái sinh...

Để có thể tham gia thị trường này, BSC trình kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, BSC dự kiến tăng vốn từ mức vốn điều lệ 865 tỷ đồng hiện tại lên mức tối thiểu là 1.500 tỷ đồng. Sau đó, tùy theo quy mô của thị trường và sự quan tâm của nhà đầu tư, có thể xem xét tăng lên 2.000 tỷ đồng nếu thuận lợi. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 49%.

Riêng trong năm 2016, công ty sẽ tăng vốn điều lệ theo 2 phương thức: phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư tài chính hoặc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Đối với phát hành cổ phiếu riêng lẻ, BSC dự kiến phát hành cho 1 – 3 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với số cổ phần phát hành tối thiểu 13,5 triệu cổ phiếu, tối đa 63,5 triệu cổ phiếu và không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ tăng tối thiểu lên 1.000 tỷ đồng, tối đa 1.500 tỷ đồng.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức, số lượng dự kiến phát hành hơn 4,3 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ 5%. Cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng, phát hành ngay trong năm 2016 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Thảo luận:

Mục tiêu kinh doanh năm 2016 tập trung vào mảng tư vấn, cụ thể như thế nào?

Ông Lê Quang Huy: Doanh thu tư vấn đến từ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phát hành và tư vấn tài chính. Tổng doanh thu mảng này năm 2015 là 92 tỷ. Năm 2016, với nhận định thị trường không thuận lợi, chúng tôi đặt kế hoạch là 55 tỷ đồng, căn cứ trên các hợp đồng mà chúng tôi chắc chắn thực hiện được.

BSC có ý định nới room tối đa là 49% nhưng BIDV đang nắm 88%, vậy sau này BIDV có bán cổ phần tại BSC?

Tỷ lệ 49% cho NĐT nước ngoài là một con số về room ngoại được chúng tôi đưa ra căn cứ trên tình hình thực tiễn của công ty. Các CTCK khác nới room lên 100%, đó là tình hình riêng của công ty họ.

Khi BSC tăng vốn từ 1.500 lên 2.000 tỷ đồng cho đối tác tài chính và đối tác chiến lược thì tỷ lệsở hữu của BIDV sẽ tự giảm xuống. Sau này BIDV có thoái vốn hay không là quyết định của BIDV và hiện nay chúng tôi không có thông tin về việc này.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên