ĐHCĐ CTIN (ICT): VNPT có ý định nâng sở hữu lên trên 35%, mở rộng các dự án giá trị gia tăng trên di động và thị trường Viettel
Năm 2020 mặc dù Covid-19 song ban lãnh đạo vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng, tổng doanh thu hợp nhất tối thiểu đạt 2.547 tỷ (tăng 11%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất tối thiểu đạt 120,22 tỷ đồng, LNST 98,74 tỷ đồng (tăng 9,7%).
Ngày 19/6, CTCP Viễn thông – tin học Bưu điện (CTIN – mã ICT, Hose) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 10% năm 2020
Đại hội đã thông qua 100% nội dung do HĐQT trình, trong đó thông qua kết quả kinh doanh năm 2019 đạt tổng doanh thu hợp nhất 2.295 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 90 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 87,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Nguyên nhân là sự sụt giảm doanh thu ở một trong những thị trường chính là Mobifone, thị trường này suy giảm đầu tư do nguyên nhân đến từ sự vụ Mobifone mua AVG, nhiều dự án của CTIN thiếu hạ tầng để triển khai dẫn đến không thể xuất hóa đơn, chỉ đạt 25% kế hoạch ở thị trường này.
Năm 2020 mặc dù Covid-19 song ban lãnh đạo vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng, tổng doanh thu hợp nhất tối thiểu đạt 2.547 tỷ (tăng 11%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất tối thiểu đạt 120,22 tỷ đồng, LNST 98,74 tỷ đồng (tăng 9,7%).
Ban lãnh đạo cho biết công ty đã ký được hợp đồng khá nhiều dự án với Viettel trong những tháng đầu năm 2020.
Mobifone sau khi ổn định tổ chức sẽ tăng cường mở rộng đầu tư mạng lưới sau một thời gian dài bị tụt lại so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
VNPT có nhiều dự án trọng điểm trong thị trường Chính phủ - doanh nghiệp và CTIN được lựa chọn để tham gia cùng VNPT và các đơn vị trong VNPT trong các dự án này. Bản thân CTIN cũng thiết lập được mối quan hệ với nhiều khách hàng như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và truyền thông hoặc các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), Tổng công ty quản lý bay, Ngân hàng Vietcombank, MBBank, PVCombank…
Một số dự án trọng điểm có tính ổn định cao mà công ty đã theo đuổi từ nhiều năm đã đạt được thành quả rõ ràng và bước sang quá trình đầu tư thử nghiệm kinh doanh như Mobile ID, e-SIM.
Một số khó khăn công ty phải đối mặt, như các nhà mạng VNPT và Viettel đều cắt giảm đầu tư vào mạng lưới do đã cuối chu kỳ công nghệ 4G. Nhà mạng Mobifone mặc dù có tăng chi đầu tư nhưng tổng ngân sách đầu tư vẫn thấp hơn so với thời điểm trước khi vụ án AVG xảy ra. Trong khi đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa thiết bị và dịch vụ cho các nhà mạng (đang chiếm hơn 85% doanh thu của toàn công ty) sẽ tiếp tục bị cạnh tranh khốc liệt, đơn giá hàng hóa dịch vụ ngày càng giảm dẫn đến lợi nhuận ngày càng thấp.
Đại hội thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2019 là 15% bằng tiền mặt, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2020 là 10-12%.
Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm một thành viên ban kiểm soát là bà Lê Thị Hà Bình và bầu bổ sung ứng cử viên mới do VNPT đề cử là bà Nguyễn Thúy Hà.
Q&A
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Dũng Chủ tịch HĐQT CTIN cho biết, kết quả đạt được năm 2019 mặc dù công ty không hoàn thành kế hoạch song đó là nỗ lực của toàn thể công ty và ban điều hành. CTIN đã bị ách lại hơn 400 tỷ vào các dự án của Mobifone đến thời điểm này khi thay đổi ban điều hành của Mobifone mới cơ bản khắc phục được một phần. Ông Dũng cũng cho biết cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn, có những dự án CTIN đấu thầu từ năm ngoái đến năm nay hạ giá thành 35%, thị trường 4G đã bắt đầu bão hòa. Ông Dũng cũng cho biết công ty vẫn mở rộng thị trường khách ngoài, công ty cố gắng phát triển thị trường này nhằm đảm bảo doanh số ổn định và phát triển (năm sau cao hơn năm trước).
Với các dự án giá trị gia tăng như Mobile ID, e-SIM, xổ số…công ty cho biết các dự án giá trị gia tăng nói chung nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể chiến lược của công ty, một số dự án trọng điểm công ty theo đuổi từ nhiều năm trước, dự án Mobile ID chỉ là một trong các sản phẩm nhỏ mà công ty đang triển khai, đây là dự án kinh doanh trên nguyên tắc đầu tư và chia sẻ doanh thu giữa CTIN và cá nhà mạng. Ông Dũng cũng tỏ ra rất thận trọng khi nói về các dự án mới để đảm bảo bí mật kinh doanh và lợi thế trong đàm phán.
"Thị trường kinh doanh rất phức tạp, chúng tôi đang đẩy mạnh các dự án giá trị gia tăng như Vietlott, Mobile ID, lộ trình chuyển đổi kinh doanh hướng tới cá nhân nhiều hơn, tránh đến rủi ro chu kỳ của các nhà mạng, nhưng vẫn duy trì mảng hệ thống và viễn thông", ông Dũng chia sẻ.
Về câu hỏi các nhà mạng chia sẻ dùng chung hạ tầng mạng điều này ảnh hưởng đến công ty không? Ông Dũng cho biết từ trước tới nay CTIN không tham gia nhiều trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, chỉ tham gia đầu tư một số thiết bị cho thuê và thiết bị phủ sóng trong các tòa nhà cao tầng (CTIN thực hiện dự án cho hơn 200 tòa nhà khách sạn 5 sao tại Hà Nội), hoạt động này mang lại nguồn doanh thu khá lớn và ổn định, hiện các thiết bị đã hết khấu hao. Tuy nhiên tới nay do ảnh hưởng gián tiếp từ thị trường nên công ty không thực hiện.
Về công ty CTIN Pay, ông Dũng cho biết CTIN PAY là công ty con 100% vốn của CTIN đã thành lập được 3 năm, công ty này được thành lập để phục vụ việc kinh doanh các sản phẩm giá trị gia tăng của công ty có liên quan đến hoạt động trung gian thanh toán (theo quy định của NHNN hoạt động này phải tách khỏi hoạt động truyền thống của CTIN). Theo ông dũng, sau nhiều lần bổ sung hồ sơ thời gian ngắn nữa có thể công ty sắp xin được giấy phép.
Về chiến lược phát triển đến năm 2025, ông Dũng cho biết nếu theo đúng định hướng chiến lược của HĐQT thì công ty sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, Nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải có những đột phá rất mạnh về nguồn lực và con người. Ông Dũng cho biết công ty mẹ VNPT có ý định muốn tăng vốn của tập đoàn tại công ty lên 51% (hiện nay là 32%). Hiện VNPT đã có 4/7 đại diện trong HĐQT của CTIN. Tập đoàn cũng định hướng CTIN là một trong 4 công ty trụ cột của tập đoàn, trong số đó thì tỷ lệ nắm giữ của VNPT tại CTIN là thấp nhất. Trước đó VNPT có ý định muốn tăng vốn CTIN lên 35% nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Ông Dũng cũng cho biết trong đề án xây dựng từ năm 2001, ông đã kiên quyết bảo vệ tỷ lệ cổ phần nhà nước dưới 35% trong khi mọi công ty con khác của VNPT đều yêu cầu giữ trên 51% để "tránh bị bỏ rơi". Tuy nhiên trong thời kỳ kinh doanh hiện nay công ty cần có một cơ chế mềm dẻo, thích ứng theo thị trường, không thể dập khuôn cơ chế nhà nước và đó là bài toán sắp tới CTIN sẽ phải giải bài toán để cho VNPT tăng vốn lên 35% và 51% hay không. Việc tăng vốn sẽ được gì và mất gì, đây là bài toán nằm trong tổng thể kế hoạch 2025.
Ông Dũng cũng chỉ ra một điểm yếu của CTIN hiện nay là vốn điều lệ ở mức 321,8 tỷ, với cách làm như hiện nay khó có thể tăng doanh thu lên, thị trường chỉ có vậy, phải có mô hình kinh doanh mới thì mới tăng được, như vậy phải tăng vốn điều lệ. Hiện nay CTIN không vay nợ dài hạn, đang dùng đòn bẩy tài chính ngắn hạn và ngân hàng sẵn sàng cho vay đến cả nghìn tỷ tín chấp, không có thế chấp. Bài toán doanh thu, lợi nhuận và chiến lược phát triển lâu dài, có tính ổn định cao là bài toán mà ban lãnh đạo phải đối mặt để giải quyết.
Về câu hỏi kết quả kinh doanh quý II ra sao, ông Dũng cho biết đặc dù của CTIN là doanh thu mang tính mùa vụ, đa phần rơi vào các tháng cuối năm, tính tới thời điểm này doanh thu so với cùng kỳ năm 2018 đạt trên 80%.
Nhịp sống kinh tế